Trẻ bướng bỉnh thường dễ thành công hơn trong tương lai
31/07/2017 (12202 lượt xem)
Các nghiên cứu cho thấy trẻ bướng bỉnh, không vâng lời kiếm được nhiều hơn khi trưởng thành và cũng có nhiều khả năng trở thành doanh nhân thành đạt hơn.
Chỉ cần thay đổi góc nhìn, con bạn sẽ "ngoan"
"Mẹ, con không cắt tóc đâu. Không, không, không!". Chắc hẳn bạn cũng đã từng ở trong những trường hợp tương tự: những lần "không là không", nhất định không, thà chết quyết không chịu hợp tác của con… đúng không? Bạn cảm thấy thật tức giận, và đặt câu hỏi: tại sao con không ngoan ngoãn như con nhà người ta? Nhưng, con bạn có thực sự là một đứa trẻ bướng bỉnh và không chịu nghe lời không? Bạn hãy nhớ lại xem: Có những lúc con là một đứa trẻ rất vui vẻ. Con tươi cười, tốt bụng và đáng yêu. Con thích thú với những điều nhỏ nhặt nhất, thích tự biến mình thành trò hề và cười sằng sặc. Nhưng khi không đồng ý, con biến thành 1 kẻ cứng đầu, cứng cổ nhất mà bạn từng gặp, đúng không? Con không chịu nghe lời. Điều đó thỉnh thoảng gây rắc rối và làm mẹ xấu hổ.
Nhưng nó có đáng để mẹ gắn cho con những "biệt hiệu" là cứng đầu, hư, hay chống đối không? Nếu con bị nói xấu, con sẽ có xu hướng làm đúng như vậy để… "chứng minh" đấy. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý và hình thành tính cách của trẻ trong tương lai. Vậy, nếu mẹ thay đổi góc nhìn, mẹ sẽ thấy gì?
Nếu mẹ thay đổi góc nhìn, mẹ sẽ thấy con khác (Ảnh minh họa).
Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng:
Con không phải không vâng lời mà là con độc lập.
Con không hung hăng mà con tự tin.
Con không đang cố nói hỗn mà con thẳng thắn (mẹ chỉ cần dạy con cách nói lịch sự hơn).
Con không phải là kẻ gây rắc rối mà con dũng cảm.
Con không phải là kẻ yếu đuối mà là con sống tình cảm.
Con không ích kỷ mà con cương quyết.
Con không cứng đầu mà con mạnh mẽ.
Tuyệt vời không? Với góc nhìn như vậy, bạn đã trở thành 1 bà mẹ thông thái, hiểu chuyện và hiểu con.
Trẻ không vâng lời dễ thành công hơn
Phải thừa nhận rằng, nuôi dạy một đứa trẻ có tính cách mạnh mẽ, không vâng lời là một thử thách khó khăn, mệt mỏi, nhưng thực ra, có rất nhiều lợi ích của cá tính "không vâng lời" này. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ không vâng lời kiếm được nhiều hơn khi trưởng thành và cũng có nhiều khả năng trở thành doanh nhân thành đạt hơn. Những đứa trẻ thông minh biết phản đối uy quyền hoặc thực trạng thường có xu hướng suy nghĩ sáng tạo hơn, vượt ra khỏi lối suy nghĩ thông thường. Điều đó giúp cho chúng sáng tạo hơn khi đưa ra những ý tưởng mới hoặc bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Các doanh nhân thường có xu hướng không chơi theo các quy tắc.
Các nhà tâm lý học giải thích rằng những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ thường biết tự tạo động lực và có xu hướng hướng nội hơn. Khi trưởng thành, chúng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo. Chúng có khả năng chịu đựng trước áp lực và theo đuổi những gì mình muốn 1 cách hăng hái hơn. Chúng muốn "tự tìm hiểu hơn là chấp nhận những gì người khác nói, vì vậy chúng luôn thách thức các giới hạn liên tục và liên tục", và điều này cũng liên quan đến việc phát triển các mối quan hệ. Sự nhận thức đó không chỉ liên quan đến việc cắt tóc, ăn rau, hoặc chọn quần áo để mặc, mà còn đến cả người mà trẻ quyết định tin cậy, chọn để đồng hành trong sự nghiệp hay cho phép mình bị ảnh hưởng/noi theo.
Sự vâng lời nên là kết quả của sự tin cậy, chứ không phải là áp đặt bởi uy quyền của cha mẹ. Đó là điều quan trọng nhất (Ảnh minh họa).
Đồng thời, sự vâng lời/ phục tùng không phải là một hành vi đáng mong đợi để bạn ép con mình… phấn đấu. Con sẽ không thể tự lập và có chính kiến riêng được khi đã bị "rèn luyện" sự vâng lời và dập tắt mọi "ý chí ngoi lên" trong suốt mấy chục năm.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhấn mạnh rằng con phải nghe theo cha mẹ trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ. Chúng cần phải nghe lời khi cha mẹ giữ tay chúng ở chỗ đông người hoặc đi qua đường. Chúng cần phải tránh xa dao nhọn hoặc ngọn lửa trên bếp. Còn đối với những điều nhỏ nhặt, những vấn đề hàng ngày, không đe dọa mạng sống, thì chúng ta có thể "thả" cho con, để con được trải nghiệm quyền quyết định và phát triển tính cách của mình.
Sự vâng lời nên là kết quả của sự tin cậy, chứ không phải là áp đặt bởi uy quyền của cha mẹ. Đó là điều quan trọng nhất. Chúng ta muốn con lắng nghe mình vì chúng tin tưởng rằng chúng ta quan tâm sâu sắc và làm điều tốt nhất cho chúng xuất phát từ tình yêu tận đáy lòng. Lòng tin của con được xây dựng từ việc thảo luận, đồng cảm và thấu hiểu, chứ không phải từ sự vâng lời mù quáng vì sợ bị trừng phạt.
Chúng ta muốn con cái của mình phát triển thành những người thật sự trưởng thành, độc lập, những người có thể tự ra những quyết định quan trọng cho mình. Vì vậy, từ bây giờ, bạn hãy bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Bạn hãy thư giãn đi và cho con được tự lựa chọn. Đầu tóc, quần áo có thể bị xộc xệch, luộm thuộm, nhưng tính cách và khả năng quyết định thì hoàn thiện hơn. Bạn có chấp nhận đánh đổi điều này vì tương lai của con?
(Theo Tri Thức Trẻ)