Triết lý đôi đũa ở Việt Nam
03/01/2013 (2055 lượt xem)
Đôi đũa đối với người Việt đã vượt qua các phạm vi vật chất vô cùng nhỏ bé, khiêm nhường, vượt qua cả cái ý nghĩa, tập quán ăn uống thông thường để trở thành hình tượng sinh động, công cụ sắc bén trong diễn đạt những quan niệm về nhân sinh, nhân tình thế thái. Hay nói khác hơn, nó đã hình thành “triết lý đôi đũa” ở Việt Nam.
Đôi đũa cũng là một sản phẩm văn hóa ẩm thực Việt Nam được chọn làm “nhân vật” đưa lên tem bưu chính.
Điều này khiến cho các hậu sinh thêm tự hào về trí thông minh, tài sáng tạo của tổ tiên, cũng như nhớ lại những thông điệp mà người xưa đã âm thầm gửi gắm về quan hệ ứng xử, nhân cách tự trọng, khiêm nhường, nhân nghĩa thủy chung, sự đoàn kết và giàu bản lĩnh của tâm hồn người Việt.
Trong khi người phương Tây lúc ăn phải dùng một bộ đồ ăn gồm dao, thìa nĩa, mỗi thứ thực hiện một chức năng riêng biệt, thì người phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam..) chỉ dùng một đôi đũa (gồm hai chiếc que làm thành) nhưng sử dụng một cách tổng hợp và cực kỳ linh hoạt với hàng loạt chức năng khác nhau: gắp, xé, và, dầm, trộn, vét… Đứng ở góc độ vật lý, thì đôi đũa là một thứ công cụ chấp dài thêm ngón tay người và được vận dụng theo nguyên lý đòn bẩy một cách thần tình để gắp thức ăn xa. Về nguồn gốc đôi đũa, lâu nay không ít học giả phương Tây cho rằng văn minh đôi đũa (civilization des baguettes) là thuộc dạng Trung Hoa.
Tuy nhiên, theo sách Lịch sử văn hóa Trung Quốc do Đàm Gia Kiện chủ biên năm 1993 thì người Trung Quốc “Thời Tiên Tần không ăn dùng đũa, mà lấy tay bốc” (giống người Ấn Độ – đó là tập quán của các cư dân trồng kê, mạch, ăn bánh mì, bánh bao và thịt). Họ chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính phương Nam (đời Tần – Hán), ban đầu dùng một cách hạn chế để gắp thức ăn cứng từ các món canh, mãi về sau đôi đũa mới trở thành phổ biến. Thế kỷ VI, đôi đũa mới du nhập vào Nhật Bản. Như vậy, thực ra, nó là sản phẩm của cái nôi trồng lúa nước Đông Nam Á – nơi có nền văn minh tre trúc là vật liệu. Ăn bằng đũa là cách ăn đặc thù, mô phỏng động tác của con chim nhặt hạt, xuất phát từ thói quen ăn những thứ không thể nào dùng tay bốc hoặc mó tay vào được (như cơm, cá, nước mắm,…) của cư dân Đông Nam Á.
Điều này, lý giải vì sao ở người Việt, từ danh gia vọng tộc đến kẻ bần hàn, từ thành thị đến nông thôn, đôi đũa tre đơn sơ mộc mạc vẫn luôn gắn liền với đời sống hằng ngày, thậm chí đã trở thành một đặc điểm văn hóa không kém gì tà áo dài duyên dáng… Thật vậy, đôi đũa đối với người Việt đã vượt qua các phạm vi vật chất vô cùng nhỏ bé, khiêm nhường, vượt qua cả cái ý nghĩa, tập quán ăn uống thông thường để trở thành hình tượng sinh động, công cụ sắc bén trong diễn đạt những quan niệm về nhân sinh, nhân tình thế thái. Hay nói khác hơn, nó đã hình thành “triết lý đôi đũa” ở Việt Nam.
Trước khi có mặt trên tem thì chỉ cần làm phép thống kê đơn giản (từ tuyển tập ca dao, tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam) sẽ được một tập hợp khá thú vị về hình tượng đôi đũa – phản ánh nhiều chiều cạnh của triết lý nhân sinh. Bản tính, phong cách của người Việt vốn cẩn trọng, chu đáo, tế nhị. Từ tấm bé, cầm đôi đũa là khắc biết “so” để “sánh” cho bằng, ngay thẳng, đôi nào ra đôi ấy, đầu nào ra đầu nấy. Việc nhỏ nhặt ấy cứ ăn sâu vào tâm thức, ý thức để rồi lớn lên vào đời trở thành người ý tứ, biết suy nghĩ, nói năng, hành xử “ra đầu ra đũa”, “đến đầu đến đũa”. Trong đối nhân xử thế, lối nhìn nhận sự việc, đánh giá con người một cách hồ đồ, thiếu quan sát, không cân nhắc phân biệt, cứ “vơ đũa cả nắm” là vô cùng tai hại, hậu quả không lường. Đặc biệt là “triết lý về lứa đôi”, hình tượng đôi đũa đã thể hiện khá “tròn vai”. Thật là éo le, khốn khổ, day dứt trong cảnh: “Bây giờ chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Muốn cho hạnh phúc lứa đôi, vợ chồng không chỉ phải môn đăng hộ đối, đồng cảnh đồng tình giữa hai nhà, hai họ: “Xứng đôi vừa lứa, chọn nơi. Hay gì đũa mốc đòi chòi mâm son”. May mắn và hạnh phúc biết bao khi “Hai ta làm bạn thong dong, như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”.
Có người cho rằng, viết “đũa mộc” thì đúng hơn “đũa mốc”. Với lập luận: “Mộc” và “Mốc” là hai trạng thái, hai phẩm chất hoàn toàn khác nhau. Người Việt vốn bản tính chất phác, nhân hậu, trong sinh hoạt thường nhật thích dùng đồ “mộc”, không ưa son, nhuộm, tô điểm, màu mè. Đặc biệt với đôi đũa là thứ đồ dùng đơn giản nhất, ai cũng có thể tự túc làm được từ “cây nhà lá vườn”, nên đũa mộc là tốt nhất. Nó phù hợp với tâm lý thực tế, trọng thực chất của các đồ gia dụng ở người Việt. Nhưng ở quan niệm khác thì cho rằng, việc sử dụng từ “đũa mốc” – mâm son mới đủ sức lột tả sự trái khoái ngược đời, để chỉ sự không xứng đôi vừa lứa (về tài sắc, của cải, địa vị, tuổi tác,..) của từng đôi “Mốc này đâu ngại chọc mâm son/ Mốc đành chịu vậy, chẳng đòi mâm son”,…
Không chỉ trong văn học dân gian, mà tiếp mạch nguồn cảm xúc truyền thống đó, đôi đũa lại xuất hiện trong thơ ca hiện đại, với nhiều hình ảnh sinh động mới mẻ: “Bếp tập thể đậu kho và rau luộc, Em gắp cho tôi bằng đôi đũa cau rừng” (Phạm Tiến Duật). Đặc biệt, động tác so đũa đã cho ta thưởng thức nhiều tứ thơ hay cảm động: “…Bữa ăn sum vầy bên bếp lửa, Mẹ so đũa thừa lại nhớ đến ta” (Thu Bồn).
Bên cạnh tính cặp đôi mà hình tượng đôi đũa thể hiện thì nó còn phản ánh tính tập thể: bó đũa là biểu hiện của sự đoàn kết, của tính cộng đồng (trong câu chuyện dân gian về bó đũa chỉ sự đoàn kết là sức mạnh). Đôi đũa còn là minh chứng của sự thiêng liêng, khi thề độc, người xưa thường bẻ gãy đũa để thề. Thậm chí khi chết đi, còn có đôi đũa cắm trên quả trứng, bát cơm đặt lên áo quan đưa tiễn người về nơi an nghỉ cuối cùng… Tất cả những điều này, khi đưa đôi đũa lên tem cũng tạo nên những sức mạnh, sự độc đáo của nó. Tem về đôi đũa không nhiều, người sưu tầm bắt gặp nó là nâng niu như báu vật.