Tục trồng cây Nêu ngày Tết
09/01/2013 (896 lượt xem)
Trồng cây nêu ngày Tết là phong tục đã có từ lâu ở nước ta. Ngày nay rất nhiều nơi vẫn theo phong tục trồng cây nêu ngày Tết mỗi khi Tết đến xuân về
Trên ngọn nêu thường treo túm lá dứa, túm lông gà, cành đa, lá thiên tuế, những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ. Có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xếp tiền vàng mã…
Dù với dụng ý khác nhau, nhưng những vật treo đều tượng trưng cho nội dung hướng về sự bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người. Ví như lá dứa để doạ ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai!), không cho chúng vào quấy phá nhà. Cái khánh đồng âm với khánh - có nghĩa là phúc; năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Tiền vàng mã để cầu tài cầu lộc. Lông gà là biểu tượng chim thần (là sức mạnh thiên nhiên giúp người)…
Đặc biệt cây nêu còn được coi là cây vũ trụ - nối liền đất với trời. Tán tròn bằng giây đỏ tượng trưng cho mặt trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của mặt trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng Xuân, sức sống Xuân…
Sự thể hiện đa dạng:
Mỗi nơi có cách chọn, trồng, trang trí… riêng cho cây nêu vào ngày 30 tháng chạp; miền Bắc hay trồng lúc buổi trưa, miền Trung buổi chiều và miền Nam thì vào lúc chạng vạng tối. Miền Bắc “trồng cây nêu vào cuối năm, trồng bên cạnh nhà, một cột nêu cao hơn nóc nhà, trên ngọn buộc một cái thúng hay một cái hộp nhỏ có đục nhiều lỗ, bên trong đựng thỏi vàng giấy, bạc giấy để cho cha mẹ quá cố vào cuối năm có thể trả nợ khi cần thiết”.Cây nêu miền Trung và miền Nam thời xưa: “trước cửa phủ Chúa và các nhà dân đều dựng cây nêu lớn, trên ngọn buộc một chùm cành lá xanh (cành Thiên Tuế)… hoặc trên ngọn nêu còn buộc một ít vàng và giấy bạc, một số rơm con và một lẵng hoa trong để mấy đồng tiền…”.Còn cuốn Gia đình thành thông trí (viết đầu thế kỷ XIX) của Trịnh Hoài Đức lại cho biết ở Nam Bộ “vào ngày trừ tịch, nhà nào cũng trồng một cột tre trước cửa, trên đầu cột buộc cái giỏ tre đựng trầu, cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng, giấy bạc, gọi là dựng nêu”…
Có nơi, cây nêu chỉ đơn giản là một cây tre hoặc một nhánh tre, không treo gì cả, có nơi cây nêu là cây tre đủ ngọn, cao ngất, treo bày nhiều thứ. Ở xã Chu Phan (Mê Linh, Vĩnh Phúc), trên cây nêu người ta buộc chiếc chổi xể – cầu mong quét sạch những điều rủi ro đi. Ở xã Tứ Xa (Phong Châu, Phú Thọ), trên cây nêu lại treo vỏ ốc - cầu mong sự đông vui nhiều con cháu, đồng thời người ta còn rắc vôi bột hình cung tên trên sân và làm con chó giấy đặt bên cổng để xua tà ma. Ở Kẻ Rị, Kẻ Chè thuộc xã Thiệu Trung (Đông Sơn, Thanh Hoá) cây nêu dựng cùng với việc rắc vôi bột hình cung tên (bắt đuổi quỷ) và hình cày bừa (cầu mong nghề nông phát đạt) trước cửa…
Đặc biệt, ở xã biển Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), dân sống trên thuyền cắm cây nêu ở mũi thuyền, cây nêu không phải bằng tre mà là băng… lau, dài chừng 1,6m đến 1,7m, để một lá, treo hai nén vàng mã và 2 – 3 lá vàng mã. Còn dân trên bờ vẫn dùng cây nêu tre, nhưng trên ngọn tre buộc cây lau và bộ đồ vàng mã (gồm một lá vàng, một nén vàng và một áo).