Vòng tròn thần kỳ giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục
28/12/2016 (2852 lượt xem)
Chiếc vòng thần kỳ này cung cấp cho trẻ đủ thông tin để hiểu chuyện gì đang xảy ra và nên ứng xử như thế nào cho đúng, nhờ đó bảo vệ trẻ và phòng tránh bị xâm hại.
Đây là "vòng kết nối mối quan hệ" có thể giúp ngăn chặn việc trẻ bị quấy rối tình dục, bị bạo hành và lạm dụng tâm lý.
Giáo dục giới tính và cách phòng chống xâm hại là một vấn đề tế nhị, và hầu hết các cha mẹ đều cảm thấy bế tắc không biết phải mở đầu chủ đề này với trẻ như thế nào.
Có lẽ hiểu được những khó khăn đó của cha mẹ và nhận ra đây cũng là một phần trách nhiệm của mình nên có, một số trường học đã tiến hành giải quyết vấn đề rắc rối này bằng cách giới thiệu những bài học đặc biệt - một phần cơ bản của giáo dục giới tính với các học sinh.
Trong mỗi bài học, trẻ em được giáo viên giới thiệu một sơ đồ đơn giản, kèm theo một lời giải thích ngắn gọn dành cho cha mẹ. Sau đó, các em tiến hành tô màu vào các phần khác nhau của sơ đồ, đồng thời các giáo viên sẽ nói cho trẻ nghe các tình huống khác nhau mà trẻ có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Vòng tròn bảo vệ trực quan này được thiết kế cho trẻ từ 5 đến 10 tuổi. Nó được gọi là "Vòng kết nối mối quan hệ". Chiếc vòng thần kỳ này có thể giúp ngăn chặn việc trẻ bị quấy rối tình dục, bị bạo hành và lạm dụng tâm lý chỉ đơn giản bằng cách cung cấp cho trẻ đủ thông tin để trẻ hiểu chuyện gì đang xảy ra và trẻ nên ứng xử như thế nào cho đúng.
Tại trung tâm của sơ đồ thì vòng tròn màu tím là quan trọng nhất. Vòng tròn này đại diện cho chính bản thân của trẻ. Cơ thể của trẻ không thuộc sở hữu của bất kỳ ai ngoài trẻ và chỉ có trẻ mới có quyền quyết định ai được phép đến gần, chạm vào cơ thể của mình.
Ngoại trừ khi còn bé, trẻ cần sự yêu thương và ôm ấp nên trẻ không từ chối các yêu cầu như cho ông bà bế hoặc ôm hôn. Còn khi đã lớn thì cha mẹ hãy dạy trẻ đừng ngần ngại nói “Không!”, “Đừng làm như thế!” nếu như trẻ không muốn. Không ai có thể chạm vào trẻ nếu như trẻ chưa cho phép, kể cả cha mẹ.
Đây là vòng màu xanh dương đại diện cho gia đình và những người thân yêu ruột thịt như: ông, bà, bố, mẹ, anh chị em ruột. Tôn trọng, tin tưởng và yêu thương là những yếu tố quyết định để trẻ cho phép mọi người trong gia đình được chạm vào người ôm, hôn, bế bồng.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên dạy trẻ chú ý đến những ranh giới không gian cá nhân. Đó là mọi người thân trong nhà chỉ được ôm hôn nựng, nắm tay ở bên ngoài lớp quần áo. Tuyệt đối không cho ai chạm vào ngực, “vùng kín”. Tương tự như vậy, trẻ cũng phải học cách tôn trọng sự riêng tư của người khác.
Vòng màu xanh lá cây này là danh sách những người “ôm xa”. Đó là những người bạn của trẻ. Tình bạn được hình thành dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau dẫn đến những hành động như cùng nhau trò chuyện, vui chơi, và đôi khi có những cái ôm thân thiết. Nhưng những cái ôm này phải có sự đồng thuận của cả hai bên. Điều này là rất quan trọng trong mối quan hệ giữa trẻ với các bạn.
Một đứa trẻ phải nhận thức được rằng trên thực tế không phải tất cả các bạn cùng lớp thì đều trở thành bạn tốt của nhau. Ngoài ra, cha mẹ nên nói chuyện với trẻ để trẻ hiểu các tiêu chí xác định tình bạn là gì và trẻ phải cư xử với bạn bè của mình như thế nào cho lịch sự để vừa bảo vệ mình, vừa không mất đi tình bạn.
Vòng tròn màu vàng gói gọn những người mà trẻ chỉ quen biết hời hợt và người đó không đóng một vai trò quan trọng nào trong cuộc sống của trẻ. Ví dụ: bạn của bạn, con của bạn bố mẹ, cháu của bạn ông bà, bạn của anh chị, hoặc là trẻ cùng sống trong khu phố biết tên nhưng không chơi thân,… Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải nói rõ cho trẻ biết về những chuẩn mực xã hội, phân loại mức độ quen biết và các quy tắc an toàn trong giao tiếp. Mỗi đứa trẻ cần phải biết sự khác biệt giữa những người bạn thân và những người quen biết xã giao. Trẻ em cũng cần phải nhận thức được khoảng cách cần thiết, chỉ cho họ bắt tay chứ không cho nắm tay và càng không cho chạm vào người.
Giáo viên, công an, cảnh sát, lính cứu hỏa, y tá và bác sĩ là những người có thể giúp đỡ, hỗ trợ trẻ trong một vài tình huống, nhưng họ không phải là bạn hay là người thân của trẻ. Do đó, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ trong từng trường hợp thì nhờ sự giúp đỡ của ai và nói rõ cho trẻ biết quy trình giúp đỡ của họ sẽ diễn ra như thế nào để tránh trẻ bị bỡ ngỡ, hoặc tránh bị người đó lợi dụng chức vụ, chức danh để lạm dụng trẻ. Ngoài ra, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng tất cả những người này luôn mặc đồng phục đặc biệt, có mang phù hiệu và bảng tên ở trên ngực.
Người lạ là những người xa lạ mà cha mẹ và trẻ không hề quen biết, cho dù họ nói là họ biết trẻ, họ biết cha mẹ, ông bà và gia đình của trẻ thì điều này cũng không quan trọng. Không phải tất cả những người xa lạ đều nguy hiểm, nhưng bởi vì họ là những người lạ nên chúng ta không thể nói là họ tốt hay xấu.
Cha mẹ hãy dạy trẻ không nên tin, nghe lời người lạ, không nói với họ bất cứ điều gì về bản thân và những người thân yêu trong gia đình. Trẻ tuyệt đối không bao giờ được đi theo hoặc ngồi lên xe cho người lạ chở đi bất cứ đâu. Trẻ cũng không được nhận bánh, kẹo, quà từ người lạ. Trẻ cũng không nên giúp người lạ tìm đường hoặc vật nuôi của họ bị lạc vì đơn giản là nếu họ thật sự cần giúp đỡ, họ sẽ không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ từ trẻ em.
Bây giờ thì cha mẹ đã có thể làm vòng tròn này và cho trẻ tô màu. Mỗi màu sẽ tượng trưng cho một nhóm người khác nhau. Trong khi tô, cha mẹ hãy nói cho trẻ nghe những bài học ngắn về tự vệ như: nếu có ai làm điều gì đó mà liên quan đến cơ thể con, làm con khó chịu thì con hãy nói to lên “Không! Bỏ ra”, hay là “Đừng mà”.
Và điều quan trọng là cha mẹ hãy dạy trẻ đừng im lặng. Hãy nói cho cha mẹ hay giáo viên, công an biết về những người có hành vi đụng chạm cơ thể khi chưa có sự đồng ý của trẻ. Cha mẹ nên nói rõ cho trẻ biết đây không phải là vấn đề của riêng trẻ, trẻ không cần phải che giấu nó, và cũng đừng cảm thấy xấu hổ. Hãy dũng cảm nói ra sự thật.
Theo Afamily