Xử lý bé nói dối mà không cần phạt
17/12/2011 (549 lượt xem)
Bé nhà bạn đã từng nói dối bạn sẽ xử lý như thế nào cho hợp lý. Vừa dạy cho trẻ không mắc tập xấu lại giúp trẻ nhận biết được cái không tốt của việc nói dối.
Cho đến 3-4 tuổi, bé vẫn chưa đủ khả năng để phân biệt những điều có thực và những điều tưởng tượng. Điều này có nghĩa là bé dễ bị nhầm lẫn giữa nói dối và nói thật.
Bé nói dối có thể do:
- Trí tưởng tượng năng động: Trí tưởng tượng của bé phát triển mạnh mẽ tới mức thỉnh thoảng, bất cứ điều gì bé tin thì bé nghĩ điều đó là có thật. Chẳng hạn, bé tin có cá đang bơi trong chậu tắm của bé hoặc có cô công chúa đang nằm dưới gậm giường của bé.
- Quên: Khi bạn quát hỏi bé ai đã vẽ bậy lên tường và bé nói là bé không biết thì chưa hẳn bé đang nói dối, đơn giản là bé quên mất. Hoặc do bé ước và tin rằng mình đã không vẽ bậy, như lý do trên.
- ‘Hội chứng thiên thần’ (the angel syndrome): Một bé nhận ra rằng, luôn được cha mẹ khen ngợi và không bao giờ làm gì sai có thể tự nhắc bản thân: “Bố mẹ yêu mình bởi vì mình ngoan. Một em bé ngoan thì không làm đổ sữa ra sàn. Mình không làm đổ sữa ra sàn”.
Ứng phó
Cha mẹ không nên khuyến khích bé nói dối nhưng cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này là cần hiểu tâm lý của bé. Những tưởng tượng quá lên và hầu như vô hại là một phần trong sự phát triển của bé lên 2. Vì thế, cha mẹ không nên kìm hãm hay quở trách những tưởng tượng này ở bé.
Tư duy này khiến nhiều bé có những người bạn tưởng tượng của riêng mình. Một người bạn giả vờ là bình thường và là tín hiệu chứng tỏ bé có trí tưởng tượng tốt. Ngay cả khi bé đổ lỗi cho những người bạn “ảo” này thì cũng không có gì đáng lo. Xét ở quan điểm cảm xúc, người bạn tưởng tượng “phục vụ” mục đích quan trọng - an ủi tinh thần cho bé.
Do đó, không nên phạt bé lên 2 nếu bé nói sai sự thật. Bạn có thể nuôi dưỡng sự thành thật ở bé bằng vài gợi ý dưới đây:
- Khuyến khích bé nói thật: Thay vì lờ đi lỗi của bé, bạn hãy trấn an bé và nói bạn vui khi được nghe sự thật. Nếu bạn quát tháo, bé sẽ sợ hãi và không muốn thú nhận điều gì.
- Đừng buộc tội: Lời nói của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp với bé. Đừng nói: “Chẳng con thì ai vào đây”; thay vào đó, hãy nhẹ nhàng: “Con giúp mẹ lau sàn nhà nhé”.
- Đừng bắt bé làm quá sức: Đừng “đeo” lên người con của bạn rất nhiều hy vọng và quy tắc. Bé không thể hiểu hết hoặc không đủ khả năng làm theo. Khi ấy, bé buộc phải chọn nói dối để tránh làm mẹ thất vọng.
- Xây dựng lòng tin: Hãy để bé biết rằng bạn tin bé và bé đáng được tin cậy. Không gì quan trọng hơn bằng việc xây dựng lòng tin trong ứng xử. Cha mẹ nên là tấm gương cho bé. Nghĩa là đừng nói “lừa phỉnh”, ngay cả khi muốn dỗ con; ví dụ, tránh nói: “Tiêm không đau đâu” trước khi bé đi tiêm phòng.
Cố gắng giữ đúng lời hoặc xin lỗi con nếu bạn sai lời hứa. Ngoài ra, nên cổ vũ bé mỗi lần bé nói ra sự thật. Nếu bé thú nhận đã ăn bánh, đừng vội quát con ầm ĩ; thay vào đó, hãy ủng hộ khi bé nói thật và nhắc bé, lần sau muốn ăn thì phải hỏi mẹ trước.