10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
10/10/2012 (672 lượt xem)
Bạn hãy tham khảo 10 nguyên tắc sau đây để có một bữa ăn an toàn cho cả gia đình.
1. Chọn thực phẩm an toàn
Thực phẩm an toàn trước hết phải là thực phẩm sạch, không ôi thiu, trầy xước, không có mùi lạ, không chứa hoá chất, nhiễm chì, chất bảo quản...
2. Nấu kĩ thức ăn
Nhiều thực phẩm sống, như thịt gia súc, gia cầm, trứng và sữa chưa tiệt trùng có thể ô nhiễm các vi khuẩn gây bệnh. Các thực phẩm cần được đun nấu kĩ trước khi ăn để đảm bảo không bị lây bệnh qua đường tiêu hoá. Riêng các loại rau mua ở ngoài thị trường cần được ngâm, rửa nhiều lần bằng nước sạch trước khi chế biến để tránh thuốc trừ sâu, các hóa chất và các nguồn gây bệnh khác.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
Thực phẩm nấu chín nguội dần. Khi để ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao, vì vậy nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
Nếu bạn muốn chế biến trước thực phẩm hoặc muốn giữ lại các thức ăn thừa, phải bảo quản ở nhiệt độ nóng (gần hoặc trên 60 độ C), hoặc lạnh (gần hoặc dưới 10 độ C). Tất cả loại thực phẩm cho trẻ em không nên bảo quản. Trường hợp dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm là do để một số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh, thực phẩm nấu chín không có đủ độ lạnh cần thiết. Khi thực phẩm vẫn giữ được độ ấm lâu (trên 10 độ C), vi khuẩn phát triển mạnh, nhanh đủ đạt tới mức độ gây bệnh. Đồ dùng đựng thức ăn để tủ lạnh phải sạch, không dùng túi nilông tái sinh, giấy báo cũ, lá bẩn để đựng, gói thức ăn.
5. Đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn (ít nhất 70 độ C)
Đây là nguyên tắc tốt nhất để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm (bảo quản đúng cách có thể giảm bớt sự phát triển của các vi khuẩn nhưng không diệt được các sinh vật).
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín
Thực phẩm nấu chín có thể ô nhiễm qua tiếp xúc với thực phẩm sống. Ví dụ, không nên chế biến thịt sống và sau đó lại dùng chung thớt và dao để thái thịt đã nấu chín vì sẽ tái sản sinh các sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ:
Rửa tay kĩ trước khi chế biến thực phẩm và sau khi có những công việc khác làm gián đoạn quá trình chế biến như sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác. Sau khi chế biến thịt phẩm sống, chẳng hạn như cá, thịt, hoặc thịt gia cầm, nên rửa lại tay thật sạch trước khi chế biến các thực phẩm khác. Nếu tay bạn có vết thương, phải băng và bọc kín vết thương trước khi chế biến thực phẩm. Chính những con vật nuôi trong nhà như: chó, mèo, chim... thường là những tác nhân gây bệnh nguy hiểm mà có thể truyền qua tay của bạn vào thực phẩm.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ:
Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm, bất kì bề mặt nào sử dụng để tiếp xúc thực phẩm phải được giữ sạch sẽ. Chỉ cần một mẩu nhỏ thực phẩm cũng sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn của các mầm bệnh. Khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nấu nướng phải được thay và đem luộc thường xuyên trước khi tái sử dụng. Khăn lau sàn nhà bếp cũng phải được giặt sạch sẽ.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác
Động vật, côn trùng (chuột, dán, mối, ruồi, ruồi nhặng...) thường chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm. Giải pháp tốt nhất là bạn nên bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa được đóng hoặc bọc kín.
10. Sử dụng nguồn nước sạch
Nước sạch là một yếu tố quan trọng đối với việc chế biến thực phẩm và làm đồ uống. Nếu dùng nước giếng khoan thì cần lọc hoặc để lắng trước khi sử dụng, đựng nước vào bể, bình sạch sẽ, vệ sinh. Nếu không có nguồn cung cấp nước sạch, bạn có thể đun sôi nước trước khi sử dụng chế biến thực phẩm hoặc làm đá . Chú ý cẩn thận với các loại nước dùng để chế biến bữa ăn cho trẻ em.