Bà bầu thừa cân rất dễ gây bệnh cho thai nhi
11/07/2012 (712 lượt xem)
Các mẹ không nên hiểu nhầm rằng ăn nhiều là tốt, với mẹ ăn gì thì con được nuôi bằng thứ ấy. Cơ thể hấp thu các chất mẹ ăn có chọn lọc, thai nhi lớn lên nhờ vào tuần hoàn của mẹ thông qua bánh nhau.
Với những mong muốn sinh một đứa con khỏe mạnh, thông minh, nhiều “bà bầu” đã nỗ lực ăn cho 2 người, đồng hóa “dinh dưỡng tốt” với việc tăng cân càng nhiều càng tốt.
Theo các chuyên khoa bệnh viện phụ sản nói việc thai phụ cần tăng cân bao nhiêu phụ thuộc vào thể trạng của từng người trước khi mang thai, tăng cân bất hợp lý thường gây hại và đứa con chưa chắc khỏe mạnh.
Mẹ nặng cân, con suy dinh dưỡng
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, đơn cử trường hợp sản phụ X. bị tiền sản giật nặng, đe dọa đến tính mạng của mẹ và con. Có chiều cao khá khiêm tốn nhưng trước khi mang thai, chị X. đã nặng 70 kg, đến giai đoạn gần sinh thì tăng lên 90 kg.
Khi nhập viện cấp cứu, tình trạng của chị X. rất xấu, mặt và toàn thân phù nề, khó thở, 2 chân nổi rõ những đường tĩnh mạch xanh. Bệnh viện đã mổ bắt con. Đứa bé tuy không thiếu tháng nhưng chỉ nặng 2,6 kg và suy dinh dưỡng.
BS Hải cũng khẳng định: “Sức khỏe không phải là cân nặng. Thai phụ cố tăng cân quá nhiều chẳng những không khỏe mà còn gặp nguy hiểm. Trước hết, cơ thể họ bị giữ nước dẫn đến sưng phù, gặp các bệnh lý về tim mạch, hô hấp. Khi sinh, “bà bầu” quá cân thường sinh khó, chảy máu nhiều, nhiễm trùng… Nặng nề hơn, họ dễ bị ứ trệ tuần hoàn, suy tuần hoàn ngoại vi, xuất hiện những cục máu đông trong tĩnh mạch. Những cục máu này có thể gây viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc mạch và dễ dẫn đến tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm là thuyên tắc phổi. Ngoài ra, còn có các tai biến tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp...”.
Còn theo BS Hà, tăng cân quá nhiều, quá nhanh khiến thai phụ đối diện với cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đái tháo đường, thai to bất thường, sản giật, băng huyết sau sinh.
Tránh ăn mặn, ngọt quá nhiều
Cơ thể hấp thu các chất mẹ ăn có chọn lọc, thai nhi lớn lên nhờ vào tuần hoàn của mẹ thông qua bánh nhau. Mẹ có tuần hoàn đầy đủ thì quá trình trao đổi chất mẹ - con mới tốt.
Mẹ quá mập, bị phù do giữ nước đồng nghĩa với lượng máu trong cơ thể giảm đi do nước thoát ra các cơ quan như mô dưới da và trong ổ bụng, dẫn đến khối lượng tuần hoàn giảm và việc nuôi dưỡng thai nhi từ đó bị ảnh hưởng. Nếu cơ thể vốn bình thường, bữa ăn gia đình đã đủ chất từ trước khi mang thai thì nên thận trọng trong việc tăng cân, đồng thời tránh ăn mặn, ngọt quá nhiều.