Các bệnh nguy hiểm khi mang thai
22/06/2013 (1080 lượt xem)
Tiền sản giật, tiểu đường và rau thai tiền đạo thường dẫn tới hậu quả nghiêm trọng trong thai kỳ.
Tôi bị tiền sản giật khởi phát đột ngột trong lần sinh đầu tiên. Sau vài ngày, mắt cá chân sưng lên, hai bàn tay phồng to và tôi đi tiểu rất khó khăn. Gia đình đã nhanh chóng đưa tôi đến bệnh viện. Huyết áp của tôi tăng vọt lên và suốt đêm đó còn lên cao hơn nữa. Sáng sớm hôm sau, bác sĩ thông báo phải mổ lấy bé ra gấp. Lúc ấy, thai mới chỉ được 29 tuần tuổi nên tôi lo lắng vô cùng. Vài giờ sau thì đứa con gái bé bỏng của tôi chào đời, bé phải nằm ở khoa săn sóc đặc biệt 8 tuần. May mắn là bây giờ bé đã hoàn toàn khỏe mạnh. Lần sinh thứ 2 thì không gặp vấn đề gì nữa, và tôi đã sinh thường dù lần đầu tôi phải sinh mổ”. Đây là chia sẻ của chị Hương (Từ Liêm – Hà Nội) về quá trình mang thai và sinh công chúa đầu lòng của mình. Chị bảo vì lần đầu mang thai, chưa có kinh nghiệm lại chủ quan nên chị chỉ chú ý tẩm bổ, ăn uống chứ không quan tâm nhiều tới những triệu chứng nguy hiểm, bất trắc trong quá trình mang thai. Mãi khi đến bệnh viện chị mới biết mình bị chứng tiền sản giật.
Những trường hợp như chị Hương không phải là hiếm gặp. Có rất nhiều bà mẹ, do chưa có kinh nghiệm lại ít tìm hiểu kiến thức về quá trình mang thai và sinh nở nên đã không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra với mình. Sau đây là 3 tình trạng nguy hiểm, tuy ít gặp nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng, các mẹ cùng tìm hiểu một vài thông tin, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị nhé.
1. Tiền sản giật, sản giật
Tiền sản giật hay còn gọi là nhiễm độc thai nghén hoặc cao huyết áp do thai thường gặp nhất ở sản phụ con so. Về cơ bản, tiền sản giật được hiểu là tình trạng mà cơ thể người mẹ đã mất khả năng thích ứng với thai kỳ. Hầu như tiền sản giật chỉ xuất hiện sau tuần thứ 30 và có thể khởi phát đột ngột hay từ từ.
Tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ). Thai nhi chậm phát triển, bị suy thai, thậm chí thai bị chết lưu trong tử cung. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong.
Triệu chứng
Dấu hiệu đặc trưng của tiền sản giật, sản giật là phù ở mặt và chân tay đi kèm với các biểu hiện khác như tăng huyết áp, nước tiểu nhiều đạm.
Tiền sản giật, sản giật thường gặp nhất ở sản phụ con so. (Hình minh họa)
Điều trị
Biện pháp điều trị tiền sản giật triệt để và hữu hiệu nhất là chấm dứt thai kỳ sao cho có lợi nhất cho cả mẹ và con.
Trường hợp tiền sản giật nhẹ, thai non tháng, người mẹ có điều kiện, có kiến thức có thể tự theo dõi. Tái khám mỗi tuần 1 lần. Tại bệnh viện làm các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu. Đo monitoring sản khoa, và siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử động thai máy.
Tại nhà đo huyết áp ngày 2 lần sáng - chiều, ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, thai máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.
Biểu hiện của các dấu hiệu nặng: nhức đầu, hoa mắt, nhìn mờ, tăng cân nhanh, đau vùng thượng vị, thai máy yếu. Huyết áp tăng cao, tiểu ít, nước tiểu đậm màu. Khi có một trong các dấu hiệu trên phải tái khám ngay.
2. Tiểu đường
Rất nhiều chị em bình thường không mắc căn bệnh này nhưng đến khi mang thai lại phát hiện ra lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Thông thường trong giai đoạn thứ hai của thai kỳ, mỗi lần đi siêu âm thai, sản phụ được bác sĩ cho xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra lượng đạm và đường trong máu.
Thai phụ dễ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nếu là người bị cao huyết áp hoặc gia đình có người bị béo phì, tiểu đường. Con của những bà mẹ tiểu đường cũng dễ mắc nguy cơ rối loạn chuyển hóa đường như mẹ. Người mẹ bị tiểu đường thường khó đẻ do em bé vai to, đầu to, thời gian chuyển dạ kéo dài khiến con có nguy cơ bị suy thai. Nếu mổ lấy thai, người mẹ cũng dễ bị nhiễm trùng, vết mổ lâu lành hơn bình thường. Vì thế việc điều trị đường huyết cao cần được thực hiện một cách nghiêm túc.
Triệu chứng
Một số triệu chứng của bệnh tiểu đường mà thai phụ thường không hay biết, như thường xuyên khát nước, tiểu nhiều, gia tăng cảm giác đói, mắt mờ khi nhìn.
Trong lúc mang thai, hầu hết phụ nữ đều đi tiểu nhiều hơn bình thường và mau đói, vì vậy khi các mẹ có những dấu hiệu này không có nghĩa là đã bị tiểu đường. Hãy trao đổi với các bác sĩ trong trường hợp các mẹ có những biểu hiện này để tiến hành xét nghiệm tiểu đường vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình mang thai nhé.
Mẹ bầu nên thường xuyên đi khám thai định kỳ (Hình minh họa)
Điều trị
Nhiều phụ nữ mắc chứng tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát hàm lượng đường trong máu bằng cách thay đổi chế độ ăn và thường xuyên rèn luyện thể chất. Những thói quen lành mạnh này cũng có thể giúp chị em ngăn ngừa mắc chứng bệnh tiểu đường thai kỳ và tiểu đường type 2 sau này.
Để điều trị chứng tiểu đường thai kỳ, các mẹ nên kiểm tra mức độ đường trong máu ở nhà và khám sức khỏe thường xuyên. Có thể các mẹ sẽ cần tiêm insulin bổ sung để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Lọai insuline nhân tạo này sẽ kết hợp với lượng insulin do cơ thể sản xuất ra giúp duy trì mức độ đường trong máu của thai phụ được ổn định và an toàn.
3. Rau tiền đạo
Rau tiền đạo là một bất thường về vị trí bám của rau - không bám hoàn toàn vào thân tử cung mà bám một phần hay toàn bộ vào đoạn dưới tử cung. Và như vậy, rau “định cư” ở trên đường ra của thai nhi trong thời kỳ sinh nở.
Rau tiền đạo là bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ. Như trên đã nói tuỳ vào vị trí bám của rau mà rau gây ra những hậu quả khác nhau.
- Đối với mẹ: Xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng, gây choáng mất máu và tử vong.
- Đối với con: Thai dễ bị suy do thiếu máu; sinh non tháng, vì khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm. Nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng, xảy ra trước khi thai trưởng thành thì bác sĩ cũng quyết định cho sản phụ sinh sớm để cứu mẹ.
Triệu chứng
Triệu chứng chính là chảy máu âm đạo đột ngột, không kèm đau do có cơn co tử cung, thường xảy ra vào cuối giai đoạn 3 tháng giữa hay bắt đầu 3 tháng cuối của thai kỳ. Một số trường hợp chảy máu nhiều (thường gọi là băng huyết). Chảy máu có thể ngừng một cách tự nhiên nhưng lại tái diễn sau nhiều ngày hay nhiều tuần. Cũng có khi có cơn co tử cung kèm với ra máu. Đôi khi xảy ra chuyển dạ sau khi chảy máu nặng vài ngày. Cũng có một số trường hợp chảy máu không tái diễn nữa cho đến khi chuyển dạ. Ngày nay, nhờ siêu âm chẩn đoán đã có thể phát hiện sớm hầu hết các trường hợp rau tiền đạo.
Điều trị
Nhiều trường hợp rau tiền đạo chỉ là bám thấp không cản trở lối ra của thai. Nếu bánh nhau sát với cổ tử cung hay che một phần thì có thể nằm nghỉ tại giường và theo dõi, tránh quan hệ tình dục.
Nếu ra máu nhiều thì cần được theo dõi, săn sóc tại bệnh viện sản nơi có thể can thiệp phẫu thuật khi cần thiết. Nếu mất máu nhiều, thì phải truyền máu.
Cho thai phụ dùng thuốc giảm co, phòng ngừa chuyển dạ sớm, cố gắng giữ thai phát triển đến 36 tuần. Khi thai vượt qua 36 tuần thì gây chuyển dạ hay mổ lấy thai là cách tốt nhất.
Bác sĩ luôn phải cân nhắc giữa nguy cơ chảy máu và nguy cơ đẻ non của thai. Mổ lấy thai là biện pháp thường được chỉ định để phòng ngừa nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Còn rau tiền đạo trung tâm (che phủ hoàn toàn cổ tử cung) và ra máu nhiều bao giờ cũng phải mổ cấp cứu.
Để có một thai kỳ thật khỏe mạnh các mẹ nhớ tìm hiểu thật kỹ những kiến thức về mang thai và sinh đẻ. Ngoài ra, nhớ phải đi thăm khám định kỳ đầy đủ và đến gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện ra dấu hiệu nào đó bất thường nhé.