Coi chừng sa dạ con sau sinh
09/09/2012 (429 lượt xem)
Mỗi lần đi tiểu bà Hiền (60 tuổi, Nghĩa Đô, Hà Nội) thấy rất khó chịu vì tử cung lòi cả ra ngoài như 'thằng cu' giả. Khi đi khám bà không ngờ mình bị sa dạ con lâu đến thế.
38 tuổi, sau khi sinh con thứ hai bà đã thấy thành âm đạo sa xuống, nhưng nghĩ không có vấn đề gì nên cứ để mặc. Lâu dần dạ con càng sa xuống nặng hơn, đến khi nó lồi hẳn ra phía ngoài âm đạo, chạm cả vào đáy quần, bà vẫn cố gắng chịu đựng mặc dù bị đái rắt.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội) cho biết, trường hợp của bà Hiền tử cung sa toàn bộ ra ngoài trong thời gian dài, lại trong môi trường không sạch do đái rắt nên bị viêm loét nặng.
Sa dạ con khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh, với những mức độ khác nhau. Có trường hợp nặng như bà Hiền nhưng đa số là nhẹ, như chị Lan (29 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi sinh con lần hai được một tháng, chị thấy vùng kín có một đám nhô ra ngoài khi đi giặt và xách nước, nhưng nghỉ thì thấy đỡ. Đợi đến hai tháng, thấy khối đấy vẫn chưa co lên chị mới đi khám.
"Bác sĩ bảo tôi chỉ bị sa dạ con độ hai, không phải mổ và khuyên không làm việc nặng nhọc. Nhưng công việc trong nhà thì nhiều, mình không làm thì chả ai làm nên rất sợ nó lồi hẳn ra bên ngoài, đi lại khó khăn lắm", chị Lan cho biết.
Bác sĩ Dung cho biết, sa dạ con là tình trạng tử cung sa thấp hơn vị trí bình thường. Bệnh có 3 mức độ: dạ con sa nhưng cổ dạ con vẫn còn trong âm đạo; cổ và một phần thân dạ con lồi ra bên ngoài âm đạo; hoặc toàn bộ dạ con lồi ra phía ngoài âm đạo, có thể bị viêm nhiễm hay bị loét.
Bệnh nhân có cảm giác nặng, trì xuống và căng tức ở vùng âm hộ, một khối rõ rệt lồi hẳn ra sau khi lao động nặng nhọc. Trường hợp nhẹ, dạ con có thể co lên sau khi nghỉ ngơi. Có thể có hiện tượng đau lưng, đi ngoài khó và tiểu rắt.
Hiện chưa có thuốc gì chữa được bệnh sa dạ con. Bác sĩ có thể phục hồi thành âm đạo, đeo vòng đẩy tử cung lên không cho tụt xuống, mổ tái tạo lại âm đạo hoặc bít hẳn. Trường hợp bệnh nặng thì phải mổ cắt dạ con.
"Như trường hợp chị Lan chỉ cần giữ gìn cẩn thận, tránh gắng sức, tránh rặn (như lúc đi ngoài bị táo bón), thì khi dạ con nhỏ đi, phần đáy chậu chắc dần, dạ con sẽ được nâng dần lên và đỡ sa, có thể trở lại bình thường", bác sĩ Dung nói.
Theo bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu gây sa dạ con ở chị em là do lao động nặng quá sớm sau khi sinh. Một tháng sau khi sinh, tử cung vẫn còn to và nặng, trong khi các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén. Điều này khiến dạ con dễ bị sa xuống dưới. Ngoài ra cũng có thể do suy nhược toàn thân, nhưng ít gặp. Những phụ nữ sinh con nhiều lần có nguy cơ sa dạ con cao hơn.
Bác sĩ Dung cũng khuyến cáo phần lớn chị em chỉ bị sa thành âm đạo, tức là mức độ nhẹ nhất, nhưng cũng không vì thế mà chủ quan. Nếu để lâu mà dạ con vẫn chưa co lên, chị em nên đi khám, để bệnh không nặng hơn.
Phụ nữ sau khi sinh cần lưu ý giữ vệ sính sạch sẽ, lao động nhẹ nhàng, bồi dưỡng trong thời gian cho con bú để cơ thể chóng khỏe, các cơ, dây chằng nhanh mạnh lên. Ngoài ra cũng cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần, để nếu bệnh nặng hơn bác sĩ có sự can thiệp kịp thời.