Đậu tương có tốt cho sức khỏe không
17/12/2011 (507 lượt xem)
Các thực phẩm bổ sung có chứa đậu tương, mà đôi khi được quảng bá là chất thay thế lành mạnh cho nội tiết tố estrogen để duy trì xương và làm giảm các triệu chứng của mãn kinh, không cho thấy tác dụng như vậy, theo một nghiên cứu mới đây. Đây là nghiên cứu do sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Y-tế Quốc gia (National Institute of Health - NIH, Mỹ) và đã được đăng trên tạp chí Tài liệu Lưu trữ Nội khoa (Archives of Internal Medicine).
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điều trái ngược với điều mọi người vẫn tin tưởng, là thực phẩm bổ sung có chứa isoflavone từ đậu tương không phòng tránh được việc mất xương hoặc việc làm cải thiện các triệu chứng của mãn kinh, TS. Silvina Levis tác giả của nghiên cứu và là giáo sư y khoa, giám đốc Trung tâm về Loãng xương của ĐH Y Miami Miller, cho biết.
Thực tế, có một tỷ lệ lớn phụ nữ đang dùng thực phẩm bổ sung vẫn có các cơn nóng bừng mặt sau chương trình nghiên cứu so với những người khác dùng giả dược.
Levis và các cộng sự của Bà đã khám cho 248 phụ nữ tuổi từ 45 đến 60 và tất cả họ đều đã mãn kinh. Khi bắt đầu, mật độ xương của họ được coi là khỏe mạnh. Trong nghiên cứu mà kể cả những người tham gia và những nhà nghiên cứu không được biết phụ nữ nào đang dùng cái gì, nhóm tác giả chọn ngẫu nhiên 126 người tình nguyện cho nhóm dùng giả dược và một nhóm khác 122 người dùng thực phẩm bổ sung có chứa đậu tương. Nhóm dùng đậu tương dùng 200mg isoflavone đậu tương mỗi ngày trong vòng 2 năm.
Sau 2 năm, các nhà nghiên cứu đo mật độ xương háng và xương sống là những vùng chuẩn để đánh giá mật độ xương để phát hiện sự mất xương - để xác định xem liệu đậu tương có gì khác biệt về mật độ xương không (so sánh giữa 2 nhóm). Nó đã không có sự khác biệt.
Các nhà nghiên cứu cũng nghiên cứu các báo cáo của những phụ nữ tham gia nghiên cứu về các triệu chứng của mãn kinh. Lúc đầu có 176 phụ nữ báo cáo về một hay nhiều hơn các triệu chứng như nóng bừng mặt, toát mồ hôi về đêm, mất ngủ, mất hừng thú tình dục hoặc bị khô âm đạo. Cả hai nhóm cho thấy không có khác biệt nào về bất kỳ triệu chứng nào của mãn kinh ở cuối chương trình nghiên cứu, ngoại trừ triệu chứng nóng bừng mặt: những người dùng isoflavone đậu tương trên thực tế có nhiều cơn nóng bừng mặt hơn. 48% những người dùng isoflavone đậu tương có các cơn nóng bừng mặt trong khi ở nhóm dùng giả dược chỉ có 32%.
Nhóm phụ nữ dùng isoflavone đậu tương có nhiều hơn các báo cáo là bị táo bón mặc dù sự khác biệt là không có ý nghĩa thống kê.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra là xương sống bị mất ít hơn trong một nhóm nhỏ những người dùng isoflavone đậu tương nhưng những người này có mức vitamin D trong máu thấp hơn 20 nanogram/ml.
Sự quan tâm đến thực phẩm bổ sung có chứa đậu tương đã tăng lên sau công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ (Women's Health Initiative) vốn đã ngừng nghiên cứu từ năm 2002, đã phát hiện nguy cơ tăng lên của chứng đột quỵ và các đợt đau tim trên những phụ nữ đã dùng liệu pháp hormone kết hợp có sử dụng estrogen và progesterone. Đậu tương đã được đề đạt như một chất thay thế cho estrogen có thể mang lại những lợi ích tương đối đối với việc bảo vệ xương và làm giảm nhẹ các triệu chứng mà vẫn không có nguy cơ bất lợi.
Levis nói rằng nếu bệnh nhân có hỏi bà lúc này về việc dùng đậu tương cho mục đích sức khỏe của xương và các triệu chứng của mãn kinh, "tôi sẽ không khuyên họ bắt đầu dùng để làm giảm chứng nóng bừng mặt hoặc để phòng tránh mất xương".
TS. Deborah Grady, giáo sư y tế và dịch tễ học của ĐH California San Francisco và là đồng tác giả các phản biện của công trình nghiên cứu, đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng "tôi chủ quan mà nói rằng chúng tôi đã tiêu tốn khá nhiều thời gian và sức lực cho nghiên cứu này. Việc tiến hành các thử nghiệm thêm nữa về đậu tương có vẻ như không phải là cách hiệu quả để tiêu tiền nếu chúng tôi muốn tiến đến liệu pháp tốt hơn về điều trị những phụ nữ đã mãn kinh".
Nhiều nghiên cứu đã nghiên cứu về đậu tương, bà nói. Luôn luôn có các kết quả âm tính, mọi người nói rằng có lẽ liều lượng không đúng hoặc có lẽ thời gian nghiên cứu đã không đủ dài, bà lưu ý. Nhưng kết quả của nghiên cứu mới là khẳng định, Grady nói, "nghiên cứu này rất quan trọng" và "chi tiền để mua thực phẩm bổ sung có đậu tương sẽ không mang lại ý nghĩa gì cả".
Grady chỉ rõ rằng nghiên cứu là chỉ dành cho nghiên cứu về đậu tương; hơn nữa, nghiên cứu đã phát hiện rằng thực phẩm bổ sung có đậu tương là lành tính. "Nó gần như không làm tổn thương ai dùng nó trong chế độ ăn", bà nói.
Trong lời bình luận của mình, Grady cũng lưu ý rằng nghiên cứu về một chất thay thế an toàn cho liệu pháp thay thể hormone vẫn tiếp tục, một số phụ nữ mãn kinh phát hiện thấy các triệu chứng của họ có giảm đi bằng việc dùng một loại chất chống trầm cảm được biết là các chất SSRI. Các nhà nghiên cứu khác đã gợi ý việc áp dụng thuật yoga và các kỹ thuật thư giãn khác như là một liệu pháp bổ sung hữu ích.
Có lẽ sự cố gắng nên được định hướng để tránh hy vọng về một liệu pháp toàn năng để điều trị các triệu chứng của mãn kinh, theo hướng sử dụng các liệu pháp hiện có nhằm đến các triệu chứng vốn làm khổ bệnh nhân nhiều nhất", Grady và các cộng sự kết luận trong bài đăng trên tạp chí .