Để bà bầu "vượt cạn" dễ dàng hơn
21/11/2012 (615 lượt xem)
Nghĩ lại cảnh lâm bồn đã qua, chắc hẳn nhiều người sẽ không thể không “rùng mình”. Có được cảm giác hạnh phúc khi nhìn thấy con mình chào đời, họ đã trải qua những giây phút rất đớn đau và đầy khó khăn.
Những lời khuyên sau đây của bác sĩ Hoa Hồng có thể giúp các bà mẹ đỡ đi phần nào để cuộc vượt cạn trở nên nhẹ nhàng hơn…
Chuẩn bị vào viện
Nếu không quá mệt mỏi, bạn có thể tắm nước ấm trước khi vào bệnh viện (tắm bằng vòi sen, không nên tắm bồn để tránh nhiễm trùng cổ tử cung khi nút nhầy đã bong ra). Sau đó, bạn hoặc người thân kiểm tra lần cuối và sắp xếp gọn gàng những vật dụng thiết yếu cho mẹ và bé đem theo đi sinh, sao cho thuận tiện nhất lúc cần sử dụng. Điều quan trọng, là bạn luôn phải có một tâm trạng thoải mái và gạt sang bên mọi lo lắng, sợ sãi khi nghĩ tới cơn đau chuyển dạ. Các nhà y học phát hiện ra rằng, tâm trạng không tốt của thai phụ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó sinh. Theo các bác sĩ, biết cách chế ngự tâm trạng của mình và tránh được những lo âu, bạn sẽ có được sự tự tin, hưng phấn để chào đón thiên thần nhỏ thuận lợi, đồng thời, nhanh chóng hồi phục tử cung sau sinh.
Ở phòng chờ sinh
Tại đây, bạn sẽ gặp nhiều sản phụ với những tâm trạng khác nhau, người đau đớn, kẻ nhăn nhó, người tựa vai chồng hay đang đón nhận những lời động viên của người thân… Theo bác sĩ Hoa Hồng thì tốt nhất là khi mới bắt đầu chuyển dạ, chưa khó chịu nhiều, bạn nên nói chuyện, thư giãn, đi lại cho thoải mái và phần nào quên đi những cơn đau chuẩn bị dồn dập kéo tới. Lúc này, vai trò của người chồng là vô cùng quan trọng bởi họ không chỉ giúp vợ giảm bớt cơn đau mà còn làm điểm tựa tinh thần cho sản phụ bớt căng thẳng. Người chồng phải luôn bên cạnh vỗ về, an ủi, khuyên nhủ và giúp vợ những việc cần thiết không thể thay thế. Điều này rất có lợi trong việc hạn chế những cơn “la hét” của vợ lúc chuyển dạ. Quan trọng hơn, nó là liều thuốc gắn kết hơn nữa tình cảm vợ chồng, tăng thêm sự tin tưởng và cũng giúp cho chính các đức lang quân cảm thấy thương yêu vợ mình nhiều hơn.
Đối diện với cơn đau
Cuối giai đoạn một của quá trình chuyển dạ là thời gian khó khăn nhất đối với các bà mẹ. Các cơn đau thường lặp lại chỉ sau hai, ba phút và kéo dài khoảng một phút hoặc hơn. Thai nhi ép mạnh bên trong xuống phía dưới khiến bạn không chỉ đau bụng mà lưng dưới và tầng sinh môn cũng bị đau tức dữ dội. Dịch âm đạo ra nhiều, chân tay đau run rẩy. Bạn có thể nóng hoặc rét, mệt vã người, buồn ngủ. Lúc này, một số người còn buồn nôn và nôn. Cách đối phó tốt nhất là bạn cứ tự do dịch chuyển, cố gắng tìm cho mình tư thế ổn nhất và phù hợp cho việc nín rặn như quỳ gối, cúi đầu, chổng mông… hoặc bạn có thể đứng hay ngồi dựa vào người thân. Khi cơn đau đến, hãy há miệng để thở, nhịp thở ngắn và nông sẽ giúp cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể. Cơn đau tạm ngưng, bạn nên hít thở sâu để lấy sức, chuẩn bị cho các cơn co tiếp theo. Bạn cần đi tiểu thường xuyên (dù không mót), đừng để bàng quang đầy khiến “cản đường” em bé. Nói chung, sản phụ không nên e ngại điều gì mà hãy tìm cho mình những tư thế cảm thấy tốt nhất.