Khắc phục tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm
02/02/2010 (773 lượt xem)
Mẹ tôi dạo này ăn ít, hay nghĩ ngợi, mất ngủ triền miên, người suy nhược. Đi khám bác sĩ bảo mẹ tôi mắc bệnh trầm cảm và cho uống thuốc amitriptilin. Nhưng khi uống thuốc mẹ tôi bị táo bón. Vậy có cách nào chữa khỏi cả hai bệnh cho mẹ tôi. Xin báo chỉ giùm.
Thuốc chống trầm cảm mà mẹ bạn dùng là thuốc chống trầm cảm cổ điển vẫn còn được sử dụng rất rộng rãi trong lâm sàng tâm thần. Thuốc có tác dụng an dịu mạnh, tuy nhiên gây ngủ nhiều, tăng cân, độc với cơ tim, khô miệng, bí đái, táo bón...
- Tác dụng gây ngủ nhiều. Tác dụng phụ này ảnh hưởng xấu đến lao động, sinh hoạt của bệnh nhân. Khắc phục tác dụng phụ này bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc vào buổi tối. Buổi sáng có thể cho bệnh nhân uống nước chè hoặc một chút cà phê.
- Tác dụng độc với cơ tim. Bệnh nhân có biểu hiện mạch nhanh, đau ngực trái. Cần làm điện tim cho bệnh nhân. Nếu có PQ kéo dài, block nhĩ thất độ 2, thiếu máu cơ tim... thì phải ngừng và thay thuốc khác. Nên cho ATP 20 mg/ngày (nếu không có chống chỉ định), piracetam (1,6g/ngày) kết hợp với amitriptilin để hạn chế tác dụng phụ này.
- Tác dụng phụ khô miệng, táo bón, bí tiểu... của amitriptilin có thể được khắc phục bằng cách tăng liều thuốc từ từ. Có thể áp dụng như sau: Tuần đầu uống 1 viên/ngày (buổi tối), tuần 2 uống 2 viên/ngày (sáng 1 viên, tối 1 viên), tuần 3 uống 3 viên/ngày (sáng 1 viên, tối 2 viên), tuần 4 trở đi uống 4 viên/ngày (sáng 2 viên, tối 2 viên). Trường hợp của mẹ bạn cần tăng liều thuốc từ từ. Ngoài ra mẹ bạn cũng cần ăn nhiều chất xơ như rau, hoa quả và uống nhiều nước, cũng như ăn những thực phẩm có tác dụng nhuận tràng như khoai lang, rau khoai lang, chuối, đu đủ...