Làm gì khi bà bầu bị chuột rút
26/10/2012 (681 lượt xem)
Theo thống kê có hơn 80% phụ nữ mang bầu đều gặp tình trạng chuột rút. Làm sao để tránh được triệu chứng vọp bẻ khó chịu này?
Nhận diện “thủ phạm”
Bước vào tháng thứ ba thai kỳ, bỗng dưng bạn bị co cứng bắp cơ, xuất hiện cơn đau dữ dội, mất khả năng cử động. Hiện tượng chuột rút (vọp bẻ) này chỉ thoáng qua vài giây nhưng có khi kéo dài cả tiếng với vị trí co cơ thường gặp nhất là bắp chân. Chuột rút hay xảy ra vào ban đêm, và bạn thường phải cắn răng chịu đựng chờ cơn đau qua đi. Song nếu nó xảy ra khi bạn đang vận động như bơi lội, chạy xe thì quả thực vô cùng nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, khi mang thai, cơ thể bạn phải gánh một trọng lượng lớn, đặc biệt là đôi chân nên cơ bắp căng mệt mỏi. Cộng với áp lực của tử cung mở rộng, chèn lên các mạch máu dẫn xuống chân, chặn các dây thần kinh dẫn từ thân đến chân, khiến chân bị chuột rút.
Sự dư thừa chất phốt pho (trong thịt, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có ga) cùng với tình trạng thiếu canxi, magiê và kali cũng là nguyên nhân gây nên chuột rút khó chịu.
Ngoài ra, thời tiết cũng được điểm mặt nguyên nhân. Mùa hè khiến thai phụ ra nhiều mồ hôi, cơ thể bị thiếu nước và dẫn đến chân bị chuột rút. Còn mùa lạnh, tuần hoàn máu có xu hướng chậm lại nên chuột rút dễ xảy đến. Đặc biệt, thai phụ bị tiểu đường, ít vận động là typ người dễ bị chuột rút nhất vào ban đêm.
Làm dịu cơn đau
Để giảm những cơn đau ngay khi bị chuột rút, bạn hãy duỗi thẳng chân ra, xoa bóp nhẹ nhàng ở mắt cá và các ngón chân theo chiều kim đồng hồ. Một cách hữu hiệu khác bạn nên dùng là cố gắng đi lại bởi bằng cách này bạn sẽ nhanh chóng làm mất cơn đau do chuột rút. Hoặc lấy một chai nước nóng, hoặc một ít cơm nóng bọc vải sạch, đặt lên vùng bị chuột rút. Bạn cũng có thể sử dụng đá lạnh chườm lên vùng bị chuột rút.
Nếu mẹ bị chuột rút do thiếu canxi, thai nhi có thể bị ảnh hưởng, bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn và cho bổ sung liều canxi cần thiết. Một số người bị cơn đau hành hạ không thể chịu đựng nổi có thể được chỉ định tiêm ngay canxi vào tĩnh mạch.
7 phương pháp phòng ngừa
- Trước khi đi ngủ nên ngâm chân bằng nước ấm pha một chút gừng và muối.
- Co duỗi chân, tay, xoa bóp hai bên mắt cá chân theo chiều kim đồng hồ. Những bài tập này sẽ giúp bà bầu ngủ sâu và ngon hơn.
- Khi ngủ, kê chân trên một chiếc gối cao.
- Không đứng quá lâu hay ngồi vắt chéo chân. Mỗi khi nghỉ ngơi, nên xoa bóp mắt cá chân, các ngón chân để thư giãn.
- Uống nước đầy đủ. Có thể uống nước dừa để bổ sung magnesia, kali không nên uống các loại đồ uống có ga.
- Ăn thực phẩm giàu canxi, rau lá xanh đậm và sữa. Uống bổ sung canxi và có thể là cả magnesie, kali.
- Nếu hiện tượng chuột rút thường xuyên, có hiện tượng sưng tấy, bầm cần đi khám bác sĩ ngay vì có thể bạn đang mắc chứng huyết khối.