Làm thế nào khi chứng đau lưng mãi hành hạ mẹ bầu
22/08/2013 (622 lượt xem)
Chắc hẳn, trước khi mang bầu, các mẹ đã được cảnh báo về chứng đau lưng hay tận mắt chứng kiến sự hành hạ của “cái lưng phản chủ” đối với mẹ bầu! Có thể so sánh, người bình thường chỉ đeo balô một ngày về mà đã ê ẩm khắp cơ thể rồi, huống hồ mẹ bầu lại đeo balô ngược trong suốt 9 tháng 10 ngày thì đó thực quả là một sự hành hạ không thương tiếc.
1. Nguyên nhân gây đau lưng cho mẹ bầu
Thực vậy, đau lưng chính là chứng bệnh phổ biến thường gặp ở phụ nữ mang thai. Sự gia tăng hormone khi bầu bí sẽ khiến các dây chằng ở khu vực xương chậu trở nên mềm hơn, những khớp xương cũng lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho sự ra đời của thai nhi. Sự thay đổi ở các khớp xương và quá trình giãn nở của dây chằng đã làm suy giảm chức năng nâng đỡ lưng thông thường. Chính vì vậy lưng sẽ yếu hơn và có cảm giác đau nhức.
Ngoài ra, khi mang bầu trọng tâm của bạn dần dần tập trung về phía trước khi tử cung và thai nhi ngày càng phát triển, làm tư thế đứng ngồi cũng thay đổi theo. Sự tăng cân đáng kể trong quá trình mang thai cũng tạo ra sức ép khiến lưng phải chống đỡ nặng nề hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, tâm lý trong thời gian mang bầu thường mệt mỏi, stress cộng với việc đứng ngồi sai tư thế cũng khiến chứng bệnh đau lưng, đau hông trầm trọng hơn.
Đau lưng là chứng bệnh phổ biến thường gặp ở mẹ bầu
2. Làm sao để hạn chế cơn đau lưng ở mẹ bầu
Tỉ lệ thuận với sự phát triển của thai nhi, cơn đau lưng vì thế mà tăng dần theo thời gian. Một tin buồn với các mẹ là các chứng bệnh đau nhức nói chung và đau lưng khi mang thai là không thể chữa trị dứt điểm. Sau sinh nở, bệnh sẽ thuyên giảm dần. Tuy nhiên, chị em có thể áp dụng những cách dưới đây để bớt đau và thoải mái hơn khi ngủ cũng như làm việc như:
Không ăn nhiều gấp 2 mà ăn chất lượng gấp 2 lần, mục đích là để không làm cơ thể tăng trọng lượng quá nhiều. Nếu thực phẩm phong phú và cân bằng, sẽ đạt được sự tăng trọng ở mức cần thiết.
Hãy nghỉ ngơi thật nhiều khi có thể: ngủ trưa và ngủ đủ giấc vào ban đêm. Nên tránh đứng quá lâu. Khi đứng, cần đứng thẳng và đừng để lưng bị cong quá. Hãy đẩy xương chậu về phía sau để phần dưới của lưng có thể được thẳng nhất. Và ở vị trí ngồi cũng vậy, hãy giữ cho lưng luôn thẳng, cố định dựa vào lưng ghế. Phụ nữ mang thai cũng tránh đi giày cao gót.
Khi cúi nhặt vật gì, hãy dựa vào cẳng chân và gập đầu gối lại. Vào cuối thời kỳ mang thai, không nên mang túi xách nặng, không bế những đứa trẻ khác hay di chuyển đồ nặng... Trong cả quá trình mang bầu đến lúc sinh đẻ, các cơ cột sống và cơ vùng bụng càng phải được chú ý nhiều hơn. Hãy tham gia một số hoạt động thể chất nhẹ nhàng nhưng đều đặn như: đi bộ, thư giãn cơ bắp, thể dục nhẹ, yoga và đặc biệt là bơi lội.
Thường xuyên tập thể dục sẽ hạn chế cơn đau lưng ở mẹ bầu
Nếu có những cơn đau lan tỏa ở lưng, mông, đùi, dọc bắp chân và đôi khi lan tới bàn chân, bạn cần ngay lập tức đi khám bác sĩ. Và cũng cần phải làm như vậy nếu bị đau dai dẳng.
Trong trường hợp bị đau lưng, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên dùng thuốc. Bạn có thể áp dụng những phương thức nhẹ nhàng và thủ công như nhờ tới chuyên gia xoa bóp hay bác sĩ châm cứu...
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian đơn giản như ngải cứu + muối, rượu gừng, lá ớt cay… vừa an toàn lại hiệu quả để chữa chứng đau lưng.
“Công nhận bầu bí mệt mỏi thật” các mẹ ạ, nhưng đừng vì đó mà nản chí và quên chăm sóc bản thân mình thật tốt nhé! Hãy luôn giữ vững tâm thế bởi niềm hạnh phúc lớn lao nhất sắp chào đời và những cơn đau lưng kia sẽ không còn hiện hữu nữa.
Chúc các mẹ có được sức khỏe thật tốt trong giai đoạn bầu bí nhé!