Mang thai mùa nóng
06/04/2013 (452 lượt xem)
Thời tiết nóng bức có xu hướng làm phát sinh nhiều chứng bệnh nguy hiểm, đặc biệt với phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Việc xác định đúng bệnh và có giải pháp khắc phục kịp thời luôn là điều cần thiết cho thai phụ.
Cảm giác choáng váng:
Trạng thái này không phải hiếm gặp trong thai kì, đặc biệt khi đứng lâu trong một môi trường thiếu không khí như xe buýt, cửa hàng, tàu hỏa… Ngoài ra, khí hậu nóng bức, mệt mỏi hoặc lượng đường trong máu thấp cũng có thể là những yếu tố gây ra cảm giác này. Phản ứng tốt nhất là hãy ngồi trong bóng mát, uống nước trái cây hoặc trà, ăn bánh, kẹo, hoa quả nhằm xóa tan cảm giác bụng cồn cào hoặc mất nước. Lưu ý ăn sáng đầy đủ, không bỏ bữa, ăn nhẹ giữa bữa sáng và bữa trưa. Nếu bị ngất, bạn cần báo cho bác sĩ ngay.
Đau đầu:
Nguyên nhân do hơi nóng, du lịch dài ngày, vì thế, cần nghỉ ngơi trong bóng mát, nơi thoáng khí và uống thêm một viên paracétamol. Nếu cơn đau cứ dai dẳng, mặt bị sưng, tay chân phù, mắt hoa, co thắt dạ dày, tâm thần bất ổn thì có thể là triệu chứng của cao huyết áp. Bệnh này nếu nặng sẽ dẫn đến biến chứng trầm trọng như nhiễm độc thai nghén rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Vì thế, nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Viêm do nấm:
Thường xuất hiện ở vùng âm đạo, âm hộ, kịch phát do hơi nóng, xuất mồ hôi, mặc quần áo chật hoặc dệt bằng loại sợi nén mồ hôi. Để phòng tránh, cần mặc nội y bằng cotton. Tránh mặc áo bằng sợi tổng hợp lâu quá 2 ngày hoặc quần tây quá chật. Mỗi ngày, cần tắm rửa bằng loại xà bông trung tính, tuyệt đối không tự ý xức hoặc uống thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ. Nếu đã dùng thuốc kháng sinh để điều trị một bệnh lý khác, bạn phải báo cho bác sĩ biết và yêu cầu loại thuốc chống nấm đặt vào âm hộ vì thuốc kháng sinh dễ gây nấm.
Say nắng:
Có xu hướng dẫn đến hậu quả cơ thể bị mất nước, mệt mỏi trầm trọng, đau đầu… Vì thế, vào mùa hè nên ngồi dưới bóng mát, uống nước đều đặn, nhất là nước khoáng, nếu buổi tối khó ngủ cần ngủ trưa bù vào, tắm nước mát vòi sen nhưng không lạnh quá, mặc quần áo bằng chất liệu cotton nhẹ. Khi trời nắng gắt, không đi xa bằng xe hơi, không phơi nắng trên bãi biển ngay cả dưới bóng cây dù.
Bị đầy hơi:
Đó là hiện tượng thừa không khí trong dạ dày sau các bữa ăn, làm bụng no căng một cách khó chịu. Nguyên nhân do nuốt nhiều hơi, nhai thức ăn không kỹ, hấp thụ nhiều tinh bột dẫn đến tình trạng gây men hoặc rau cải như bắp cải, củ cải… Rối loạn càng gia tăng khi có thai và vui chơi trong mùa hè do xu hướng ăn nhiều hoặc uống nhiều nước uống có hơi. Vì thế, cần ăn từng số lượng nhỏ, tránh nói chuyện khi nuốt hơi và uống nhiều, kiêng các thức ăn dễ gây men và thức uống có bột để xoa dịu trạng thái khó chịu này.
Tiêu chảy:
Khi xảy ra do nhiệt độ bên ngoài quá cao, thay đổi thời kì khí hậu, chế độ ăn uống, tiêu thụ quá nhiều trái cây hoặc cũng có thể do một loại vi khuẩn gây nhiễm độc thực phẩm có tên salmonelle. Ở trường hợp thứ nhất, thai phụ sẽ không bị sốt hoặc ói mửa nên việc điều trị sẽ thuận tiện hơn bằng cách ăn cơm, cà rốt nghiền, kiêng trái cây, rau sống, uống nhiều nước như nước lọc. Tăng cường các biện pháp giữ gìn vệ sinh thực phẩm như rửa thật sạch rau cải, trái cây trước khi ăn, nấu chín thịt cẩn thận, không ăn trứng sống và thường xuyên lau chùi tủ lạnh.
Theo ý kiến của bác sĩ Chuyên khoa Nguyễn Thị Bé Hai, bà mẹ khi mang thai giữ gìn sức khỏe trong sinh hoạt và ăn uống trong suốt thai kì để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Đặc biệt, khi thời tiết oi bức, bà mẹ cần mặc áo quần rộng thoáng, dễ thấm hút mồ hôi. Tắm mỗi ngày, chú ý vệ sinh đầu vú và bộ phận sinh dục. Tránh căng thẳng và duy trì cuộc sống thoải mái về mặt tinh thần. Ngủ trên 8giờ/ngày, cần được nghỉ trưa. Ở nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt, hơi nóng, khói và bụi ẩn.