Mang thai tuần thứ 4
23/09/2011 (608 lượt xem)
Vào lúc này, một số phụ nữ đã có thể nhận biết mình có thai thông qua một số biến đổi nhỏ trên cơ thể.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ
Tế bào hợp tử lúc này đã bám vào thành tử cung. Tế bào hợp tử được cấu tạo gồm ba lớp sẽ hình thành các cơ quan và mô cho bào thai. Lớp ngoài cùng sẽ trở thành hệ thần kinh (bao gồm não), da, tóc, móng, tuyến vú, chân lông và chân răng. Lớp giữa sẽ phát triển thành tim, hệ tuần toàn, khung xương, mô liên kết, mạch máu và các cơ. Lớp trong cùng sẽ hình thành phổi, đường ruột, gan, tụy và tuyến giáp. Tứ chi bắt đầu nhú ra nhưng không rõ rệt. Nhau thai hình thành và bắt đầu sản xuất hoóc môn HCG. Đây là loại hoóc môn làm cho buồng trứng của bạn ngừng quá trình làm chín & rụng trứng; đồng thời làm tăng lượng estrogen và progresterone để ngăn tử cung không tống xuất lớp mô mỏng và phôi đang làm ổ trên đó cũng như kích thích nhau thai phát triển. HCG, thông qua 1 loại xét nghiệm, cũng là nhân tố chính giúp bác sĩ xác nhận việc bạn có mang thai hay không. Nếu kết quả dương tính, thì bạn đã có thai. Ngược lại, nếu xét nghiệm âm tính nhưng bạn vẫn chưa có kinh nguyệt trong 2 hay 3 ngày tới, thì hãy thử làm lại xét nghiệm lần nữa. Ngoài ra, các gai nhau nhau bám vào màng tử cung, hình thành nơi lưu thông, trao đổi với máu của mẹ lưu nhằm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho bé. Thời điểm này bào thai vẫn rất nhỏ, chiều dài khoảng từ 0.35 đến 1 mm.
NHỮNG THAY ĐỔI CỦA MẸ
Bạn có thể có những triệu chứng đầu thai kì tương tự như như triệu chứng bạn có thể có trước kỳ kinh. Một vài phụ nữ có thể nhận biết mình mang thai ngay trước khi làm xét nghiệm thông qua một số dấu hiệu sau đây:
- Đầu ti sưng, nhạy cảm: Nhiều phụ nữ cho rằng dấu hiệu này gần giống như khi chu kỳ kinh nguyệt của họ sắp đến.
- Mệt mỏi: Cảm thấy mệt mỏi bất thình lình, đau lưng hoặc thay đổi tâm tính – Do lượng hoóc môn progesterone tăng cơ thể bắt đầu quá trình hình thành phôi thai có thể làm cho bạn cảm thấy giống mình đang tham gia chạy marathon.
- Mắc tiểu thường xuyên.
- Nhạy cảm với mùi: Nhiều phụ nữ vừa mới mang thai dễ bị nôn mửa khi ngửi thấy mùi mà mình không thích. Dấu hiệu này có thể là một tác dụng phụ khi lượng estrogen gia tăng nhanh trong trong cơ thể của bạn.
- Chán ăn: Dấu hiệu chán ăn thường gặp hơn thèm ăn khi mang thai. Bạn bỗng nhiên sợ các món ăn vốn dĩ bạn từng ưa thích.
- Buồn nôn: Thông thường bạn ít khi ốm nghén trong vài tuần đầu sau khi mang thai. Tuy nhiên, một số ít có thể ốm nghén từ rất sớm.
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao: Nếu nhiệt độ cơ thể bạn vẫn tiếp tục tăng sau khi rụng trứng, có thể bạn đã có thai.
Tuy nhiên cũng có nguời không có dấu hiệu nào ngoại trừ trễ kinh hoặc kinh nguyệt bất thường.
LỜI KHUYÊN CHO MẸ
Nếu chu kì kinh của bạn trễ hoặc bất thường, bạn nên dùng que thử thai tại nhà. Kích thích tố HCG có trong nước tiểu sẽ báo hiệu cho bạn biết có thai hay không. Đây là cách phát hiện thai sớm nhất tại nhà. Phần lớn que thử thai có thể cho biết chính xác việc có thai khi bạn bị trễ kinh, nghĩa là 2 tuần sau khi trứng rụng. Để kết quả chính xác, bạn nên thử vào buổi sáng. Nếu kết quả âm tính mà chu kì của bạn vẫn trễ, hãy đợi một tuần nữa trước khi thử lại vì sau khi mất kinh, một số phụ nữ phải mất từ 2 đến 3 tuần mới phát hiện được hóc môn HCG trong cơ thể. Nếu kết quả là dương tính thì bạn hãy lên lịch khám với bác sĩ. Các bác sĩ sẽ khám cho bạn cho đến khi thai đạt độ tuổi 8 đến 12 tuần. Nếu bạn đang dùng bất cứ loại thuốc - thuốc theo toa hoặc tự mua – bạn nên hỏi bác sĩ xem liệu có an toàn cho bạn và thai nhi khi bạn tiếp tục dung chúng hay không. Ngoài ra, bạn nên chắc chắn rằng mình đã thông báo cho bác sĩ biết những vấn đề khác có liên quan đến sức khỏe của bạn.
Khoảng thời gian 6 tuần tới rất quan trọng cho sự phát triển của bé. Thông qua nhau thai, bé được cung cấp những chất bổ dưỡng từ mẹ. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng thuốc bổ và chế độ dinh dưỡng bạn đang áp dụng là tốt cho cả bạn và thai nhi. Bạn cũng cần tìm một bác sĩ phụ sản và quyết định sẽ sinh con ở đâu.
Nếu bạn đã cố gắng thụ thai hơn 1 năm nay (hoặc hơn 6 tháng nếu bạn trên 35 tuổi) mà vẫn không thành công, hãy gặp bác sĩ sản khoa để làm các xét nghiệm cho cả hai vợ chồng nhằm phát hiện những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh.