Mẹ có thể cho bé bú ngay cả khi mang bầu
20/03/2010 (535 lượt xem)
Các chuyên gia khẳng định rằng, người mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú khi mang bầu, thậm chí cả thời gian sau đó (khi đã sinh bé thứ hai) vì tuyến sữa vẫn hoạt động tốt.
Khi mang thai bé tiếp theo, sữa mẹ trở nên mặn và chua hơn. Nhiều bé không phát hiện ra sự thay đổi này nhưng với các bé nhạy cảm hơn, bé sẽ phản ứng và tỏ ra không thích thú.
Đến tháng thứ 5, bầu vú ở người mẹ bắt đầu tiết sữa non khiến chất lượng sữa thay đổi rõ rệt. Người mẹ nên cho bé bú tiếp, không cần lo lắng về việc nguồn sữa non sẽ cạn, cơ thể bạn sẽ tiếp tục sản xuất ra nguồn sữa này cho đến khi bé thứ hai chào đời.
Một số điểm bất tiện
- Đau ngực: Đây là dấu hiệu thường thấy khi mang thai dù phụ nữ có đang trong giai đoạn cho bé bú hay không. Tuy nhiên, nếu bạn có bầu trong giai đoạn chưa cai sữa cho bé, hiện tượng đau ngực sẽ nặng hơn. Một số người mẹ vẫn duy trì hoạt động cho bé bú bất chấp cơn đau trong khi một số người mẹ khác phải chờ ngực dịu đau hơn mới làm điều này.
- Mệt mỏi: Cơ thể xuống sức cũng là dấu hiệu chung khi thai nghén. Tuy nhiên, người mẹ sẽ hao phí nhiều kalo hơn vì phải thực hiện nghĩa vụ kép: vừa nuôi dưỡng em bé trong bụng vừa phải chăm lo cho em bé đang bú mẹ.
- Những cơn co thắt: Những kích thích vào vùng ngực khi cho bé bú (hoặc khi quan hệ tình dục) có thể gây nên những cơn co thắt nhỏ cho người mẹ. Dù vậy, hầu hết những cơn co này đều an toàn với thai phụ.
- Tư thế cho bé bú: Khi bụng bầu đã lớn, người mẹ nên thay đổi tư thế cho bé bú để hai mẹ con cùng được thoải mái. Nằm nghiêng cho bé bú là cách tốt nhất dành cho người mẹ tại thời điểm này.
Dấu hiệu nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dừng cho bé bú
Nhóm người mẹ có tiền sử chuyển dạ sớm, sảy thai, chảy máu âm đạo, suy dinh dưỡng (hoặc tăng cân ít) nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn thật cẩn thận để xem có thể cho bé bú tiếp không.
Cai sữa cho bé
Nếu bé dưới 1 tuổi mà sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính, bạn vẫn nên cho bé tiếp tục bú. Nếu bạn muốn cai sữa trước khi sinh bé tiếp theo, bạn nên cai từ từ (giảm số lần bú). Điều này sẽ tránh được sự mất cân bằng hormone trong cơ thể người mẹ đồng thời bé lớn cũng ít có cảm giác hụt hẫng vì “bị bỏ rơi”.