Mẹ Singapore mất con ở tuần 39 - lời cảnh tỉnh cho các mẹ bầu
18/08/2017 (18805 lượt xem)
"Nếu tôi phản ứng nhanh hơn và nghĩ đến trường hợp thai lưu thì có lẽ đã cứu được con gái của mình". Qua bài viết này tôi đặc biệt muốn chia sẻ đến các mẹ bầu, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3 - giai đoạn cuối của thai kì.
Con gái tôi đã chết khi còn trong bụng mẹ
Khi mang bầu bé gái thứ 2, tôi đã có một bé trai 15 tháng tuổi. Tôi đã làm thủ tục nghỉ sinh tại công ty và ở nhà chờ đến ngày chuyển dạ. Nhưng tối hôm đó, khi tôi đang ở tuần thai thứ 39, tôi thấy bị chuột rút nhẹ khi ngồi dậy, rồi tăng dần khiến tôi thấy đau đớn và khá khó chịu. Tôi không nghĩ quá nhiều vì cho rằng cơn đau như vậy là hoàn toàn bình thường trong vài tuần cuối của thai kỳ. Đến đêm hôm đó, các cơn co cơ, chuột rút bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn và khiến tôi bị đau hơn. Khoảng 1 giờ sáng, tôi thoáng nghĩ có thể mình sắp chuyển dạ.
Lần sinh đầu, tôi phải dùng thuốc kích đẻ và sinh mổ nên lần này, tôi không nghĩ mình có thể chuyển dạ tự nhiên như vậy. Tôi chủ quan và nghĩ đến lời dặn của bác sĩ đã khám cho mình trước đó “Đây là lần sinh mổ thứ 2, nếu khoảng cách giữa 2 lần sinh chưa đủ 1,5 năm thì nguy cơ đe dọa đến sức khỏe mẹ và thai nhi là rất cao.”
“Ục…” – nước ối của tôi vỡ và chảy xuống chân.
Lúc đó, tôi vẫn bình tĩnh đi chuẩn bị đồ để đến bệnh viện. Nhưng có điều lạ là, nước ối ngoài màu nâu còn có những mảng xanh, mặc dù thấy lạ nhưng tôi cũng vẫn bỏ qua dấu hiệu báo động này. Chưa bao giờ trong đầu tôi có ý nghĩ mình có thể mất con ngay trong bụng.
Bác sĩ không thể nghe được nhịp tim của con gái tôi (Ảnh minh họa).
Nhưng sau đó, tôi chợt nhận ra đã khá lâu kể từ lúc bắt đầu bị chuột rút và đau đớn thì tôi không thấy em bé cử động. Tôi đã nói những nghi ngờ của mình với mẹ nhưng mẹ tôi đã gạt bỏ suy nghĩ của tôi và cho đó là chuyện bình thường, có thể lúc chuyển dạ do đau quá nên tôi không cảm nhận được cử động của con.
Nhưng ngay sau khi bước vào phòng sinh, tôi bắt đầu có cảm giác cồn cào khó chịu trong dạ dày và ruột. Tôi mơ hồ nhận ra điều bất ổn nào đó đang xảy ra. Lúc y tá lấy nước tiểu để xét nghiệm, cô ấy cũng nói gì đó về những mảng xanh trong nước ối của tôi. Và đó chính là phân su của em bé. Đây không phải là một dấu hiệu tốt, em bé của tôi đang gặp vấn đề, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Các y tác, bác sĩ cũng không thể đo nhịp tim của con tôi. Kết quả siêu âm cũng không thấy tim con tôi còn đập nữa.
Tôi òa khóc và run rẩy, bác sĩ thông báo thai của tôi đã bị chết lưu. Con gái tôi đã chết ngay trong bụng mẹ, nguyên nhân được cho là do sự bất thường của dây rốn.
Sau đó, tôi được đưa vào phòng mổ để mổ lấy thai, tôi cũng cố làm mọi cách ôm con vào lòng, da tiếp da, những mong phép màu sẽ xảy ra nhưng sự thật là tôi đã đánh mất con bé và không có phép màu nào cả.
Lời nhắn nhủ dành cho các mẹ đang và sắp mang thai
Nếu tôi phản ứng nhanh hơn và nghĩ đến trường hợp thai lưu thì có lẽ đã cứu được con gái của mình. Qua bài viết này tôi đặc biệt muốn chia sẻ đến các mẹ bầu, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3 - giai đoạn cuối của thai kì.
Lắng nghe dấu hiệu của cơ thể và tin vào bản năng làm mẹ để ứng phó kịp thời.
- Hãy theo dõi chuyển động của em bé và tuyệt đối không bỏ qua dấu hiệu khả nghi nào.
Cử động của thai nhi sẽ báo hiệu sự sống, các mẹ hãy theo dõi chặt chẽ cử động của em bé. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn tần suất và mức độ chuyển động cần thiết, nếu vì bất kỳ lý do gì mà bạn cảm thấy rằng em bé ít hoặc không đạp, hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để có giải pháp kịp thời.
Tai nạn liên quan đến dây rốn có thể không gây nguy hiểm cho thai nhi ngay lập tức, nhưng nó sẽ quấn cổ bé từ từ, siết chặt cổ và gây nguy hiểm cho thai.
- Lượng nước ối rất quan trọng.
Lời nhắn nhủ của bà mẹ vừa mất con ở tuần thai 39 các mẹ đang và sẽ mang bầu không thể ngó lơ - Ảnh 4.
Các mẹ cần lưu ý kiểm tra thường xuyên nếu nước ối không đủ đảm bảo cho em bé trong bụng (Ảnh minh họa).
Khi tôi khám thai ở tuần 37, bác sĩ đã cảnh báo lượng nước ối của tôi giảm. Giá như tôi không chần chừ mà vào viện ngay, thì con tôi đã không ra đi như vậy. Mực nước ối trong những ngày gần sinh rất quan trọng, bé có thể bị ngạt do không đủ nước ối. Các mẹ cần lưu ý kiểm tra thường xuyên nếu nước ối không đủ đảm bảo cho em bé trong bụng.
- Vết sẹo mổ có thể bị rách, bục bất cứ khi nào.
Các bác sĩ vẫn khuyên tôi nghỉ ngơi và hạn chế đi lại vì vết mổ lần trước có thể bị bục, gây nguy hiểm. Tôi đã rất ân hận, nếu tôi không đi lại nhiều, có lẽ tôi sẽ cảm nhận rõ hơn khi con tôi ngừng đạp, mọi chuyện có thể đã khác. Bác sĩ nói tim con gái tôi đã ngừng đập trước khi tôi lên bàn mổ vài giờ. Vấn đề cốt lõi ở đây là thời gian. Nếu tôi nghe theo bản năng người mẹ và nhanh chóng đến bệnh viện ngay sau khi có dấu hiệu, tôi đã cứu được con.
- Lắng nghe dấu hiệu cảnh báo của hệ tiêu hóa.
Lúc đó, tôi cảm thấy ruột gan cồn cào nhưng vẫn cố chịu đựng mà không biết rằng đây cũng là dấu hiệu báo động. Tôi khuyên các mẹ không nên bỏ qua bất kì triệu chứng nào, hãy lắng nghe cơ thể mình để đưa ra phương án kịp thời.
Rủi ro là khó tránh khỏi, nhưng bằng những cách phòng ngừa có thể, tôi hy vọng không còn em bé nào phải giống như con gái tôi.
(Nguồn Parent)