Một số lưu ý khi bảo quản sữa mẹ
08/09/2012 (345 lượt xem)
Có nhiều bà mẹ phải đi công tác xa nhà hay phải gửi con cho ông bà trông hộ,... không có điều kiện gần con thường xuyên. Vì thế họ buộc phải vắt sữa cho vào tủ lạnh để con uống dần. Nếu không biết cách bảo quản, sữa sẽ bị hỏng và không thể dùng được. Dưới đây là một vài gợi ý cách bảo quản sữa mẹ mà bạn có thể tham khảo.
Thời gian bảo quản
Sữa mẹ sau khi đã được vắt ra có thể dự trữ ở nhiệt độ mát trong phòng (khoảng 26-28ºC) là 6 giờ; nhiệt độ thấp hơn thì thời gian bảo quản là 8 -10 giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4 giờ; trời nóng là dưới 1 giờ; dưới 20ºC không nên quá 2 giờ.
Nguyên nhân là vì sữa mẹ khác nhau từ người mẹ này với người mẹ khác, nhiệt độ phòng cũng khác nhau tùy lúc vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt.
Số lượng sữa vắt trong một lần
Với bé dưới 6 tháng tuổi, bạn nên vắt sữa với số lượng nhỏ mỗi lần (khoảng 100-150ml) là đủ cho bé dùng. Với bé lớn hơn (hoặc do mẹ phải đi làm cả ngày), số lượng sữa vắt phụ thuộc vào nhu cầu của bé nhưng cũng không nên lạm dụng (khi đi làm về, mẹ có thể cho con bú).
Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 1-3 ngày.
Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Thời gian tối đa có thể lên tới 2 tuần (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng – mở cửa tủ) và 6 tháng nếu ở trong máy ướp lạnh ở -160C . Không nên bảo quản sữa mẹ ở gần cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.
Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, bạn nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½ -1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài.
Làm ấm sữa (rã đông)
Lò vi sóng có thể làm hủy hoại các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ, tạo ra các “hạt nóng” có thể gây bỏng con bạn. Do đó, không nên làm ấm sữa mẹ bằng lò vi sóng.
Nên đặt bình sữa vào chén nước ấm, hoặc dưới vòi nước ấm, và làm ấm đến nhiệt độ phòng. Trẻ sơ sinh có thể từ chối uống sữa mới lấy ra từ tủ lạnh, nhưng sữa này không có hại. Tuy nhiên, bạn không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho bé dùng sớm nhất có thể.
Sử dụng bình để dự trữ sữa
Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ hai là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn loại bình dành riêng để trữ sữa.
Nếu muốn sử dụng túi đựng sữa , cha mẹ nên lưu ý:
- Thứ nhất, sữa có khả năng dính vào hai bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa.
- Thứ hai, sữa được đựng trong túi thường có nguy cơ bị rò rỉ nhiều hơn. Một số hãng sản xuất ra những chiếc túi đựng sữa chất lượng tốt nhưng giá thành lại khá đắt. Để tiết kiệm, bạn có thể mua 2 loại túi: một loại dùng trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh; loại đắt hơn dùng đựng sữa trong ngăn đá. Điều này sẽ giảm thiểu những vết rách nhỏ xuất hiện trên bề mặt túi.
Sữa bảo quản trong tủ lạnh thường có lớp váng nổi trên bề mặt nhưng bên dưới, sữa nhìn trong như nước. Để sử dụng, bạn nên lắc đều bình sữa, hấp cách thủy rồi chờ sữa ấm là cho bé ăn được. Nếu sữa mẹ được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng thì trước khi cho bé bú, bạn có thể ngâm bình sữa vào một bát nước ấm (không cần hấp cách thủy).
Nếu sữa trong bình (túi) có màu trắng đục như đám mây sau khi rã đông thì có khả năng sữa đã bị rò. Không nên cho bé ăn sữa này vì nó không đảm bảo chất lượng.