Nghĩa anh em trong văn hóa Việt
03/01/2013 (1315 lượt xem)
Anh em cùng một mẹ đẻ sinh ra, thì cứ theo thứ tự đẻ trước là anh, đẻ sau là em. Nhiều mẹ đẻ ra thì con vợ cả là anh, con vợ lẽ là em, không cứ gì nhiều tuổi ít tuổi. Cũng có nhà lấy vợ hầu trước, dù có đẻ con cũng không được là con cả, khi nào kén được người chính thất, đẻ con mới là con cả, cũng có nhà thì bất cứ vợ nào, hễ đẻ trước gọi là anh, đẻ sau gọi là em.
Nghĩa anh em – Anh em cùng cha cùng mẹ đẻ ra, gọi là anh em đồng bào, anh em cũng cha khác mẹ gọi là anh em dị bào, nhưng tổng chi gọi là anh em ruột cả, còn anh em cùng mẹ khác cha thì gọi là anh em đồng mẫu dị phụ, anh em ấy không thân thiết gì mấy, cũng như người ngoài mà thôi.
Anh em cùng một mẹ đẻ sinh ra, thì cứ theo thứ tự đẻ trước là anh, đẻ sau là em. Nhiều mẹ đẻ ra thì con vợ cả là anh, con vợ lẽ là em, không cứ gì nhiều tuổi ít tuổi. Cũng có nhà lấy vợ hầu trước, dù có đẻ con cũng không được là con cả, khi nào kén được người chính thất, đẻ con mới là con cả, cũng có nhà thì bất cứ vợ nào, hễ đẻ trước gọi là anh, đẻ sau gọi là em.
Nghĩa anh em
Anh em cốt lấy tình thân ái làm đầu, lá lành đùm lá rách, bênh vực giúp đỡ lẫn nhau. Ta vẫn thường cho anh em ăn chung ở lộn với nhau, hòa mục với nhau là cách vui vẻ là nhà có phúc. Nhưng thường tình thì anh em phương trưởng, phận ai người nấy lo. Nhà phong phú thì cha mẹ lập cho con một cơ nghiệp, nhà tầm thường thì ai lo thân người ấy, có tư cấp ít nhiều, chứ không mấy người ôm ấp đùm bọc lấy nhau được mãi.
Quyền lợi – Người anh cả có quyền hơn cả các người em. Cha mất rồi thì người anh là người thay mặt cho cha mà trông nom các em. Em còn thơ bé thì anh phải nuôi nấng, rồi phải lo dựng vợ, gả chồng cho em nữa, gọi là quyền huynh thế phụ. Gia sản cha mẹ để lại, cũng người anh cả được hưởng phần lợi hơn mà công việc trong nhà như là ma chay giỗ tết, người anh cả phải chịu phần nặng.
Nhưng cũng có khi người con út được hưởng phần lợi của cha mẹ để lại nhiều hơn các anh. Vì là anh trước đã đâu yên phận đó, còn em út ở với cha mẹ, rồi thì thừa hưởng cái cơ nghiệp ấy. Cho nên có câu tục ngữ rằng “Giàu con út, khó con út, trút sạch cửa nhà”.
Câu chuyện khuyên anh em thân nhau – Tục ta có một câu chuyện là gọi là chuyện giết chó khuyên chồng: Xưa có một người chồng chơi bời thân thích với một người bạn, nay chè mai chén, ngày kia thuốc phiện, chỉ chơi với bạn mà không biết em là đâu. Người vợ khuyên can mãi chồng mà không được. Mới nghĩ ra một kế: một hôm người vợ giết một con chó cạo lông cho trắng trẻo, để ở trong nhà tối. Chồng đi chơi về khuya. Vợ nói dối rằng: Hôm nay nhỡ đánh chết một đứa trẻ, để giấu trong buồng, làm thế nào bây giờ? Chồng sợ mất vía, vào xó buồng xem, quả nhiên có một đứa trẻ nằm đó. Chồng bảo gọi em để nhờ em chôn cho. Vợ nói:Xưa nay chàng chơi thiết với người bạn, không tưởng đến chú nó, bây giờ có nạn sao nó chịu giúp mình, bất nhược nhờ người anh em còn hơn. Chồng nghe lời, cho mời bạn đến, nói chuyện đầu đuôi rồi nhờ bạn chôn hộ cho. Người bạn chôn xong, sáng mai lập tức đi báo quan để lấy công. Anh ta lại chỉ dẫn cho quan về tận nơi mà khám. Quan đào lên thì là con chó. Hỏi ra thì người thuật chuyện mà nói cái mưu kế của mình cho quan nghe. Chồng từ đó chán người bạn mà thân với em. Câu chuyện tuy tầm thường, nhưng cũng làm được cái gương cho anh em.
Chị em, chị em dâu, anh em rể – Chị em ở với nhau, cũng có tình thân ái như anh em, có câu rằng: “em ngã chị nâng, chị ngã em nâng”, ấy là thường tình của người ta. Còn về phần anh em rể, chị em dâu, thì không được thương nhau mấy. Trừ ra nhà có giáo dục, biết lấy lễ nhượng ăn ở với nhau. Còn phần nhiều hay là khủng khỉnh với nhau lắm. Có câu rằng: “yêu nhau chị em gái, khái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể”, tục ấy cũng là một tục xấu.
Anh em, chị em ở trong nhà lủng củng, gọi là gia đình bất mục. Nhiều người vì một chút lợi gia sản của cha mẹ, đến nỗi xâu xé nhau đem nhau đi kiện, làm cho tàn gia bại sản. Thậm chí có nhà cha mẹ chết, quàn ma lại một chỗ để tranh hương hỏa, chờ cho quan xử đoán xong rồi mới cất ma. Tục ấy gọi là đồi phong bại tục, nhà nào suy đốn mới có anh em, chị em như thế.
Anh em, chị em là bát máu sẻ đôi, tình thân thiết hơn cả người khác. Trong cách ăn ở, phải yêu mến nhau. Mà muốn cho được hòa mục mãi mãi thì lại cốt lấy chữ nhẫn làm đầu, nghĩa là nhường nhịn nhau, dẫu có kẻ ngang trái, cũng nhịn đi, rồi sẽ lấy lời khôn lẽ phải mà khuyên bảo nhau thì không bao giờ đến nỗi khích bác nhau, mặt lăng mày vực với nhau, mà trong nhà vẫn được vui vẻ, cha mẹ cũng được thỏa lòng.
Nhưng cũng cho nên mong nhờ lẫn nhau, mong nhờ nhau là một thói ỷ lại, không biết quý sự tự lập, thì là làm cho hư mất nết người. Đã đành anh em nghĩa nên cứu giúp nhau, nhưng cũng phải nghĩ kế tự lập mới được. Chớ cứ ăn không ngồi rồi rượu chè cờ bạc để chắc trông cậy về anh em chị em thì là một tính cách rất đê tiện, làm hại lây cho người có chí mà thôi.