Những thời điểm không nên thụ thai
05/04/2012 (591 lượt xem)
Làm mẹ là thiên chức của phụ nữ và bất kỳ ai sau khi kết hôn cũng khao khát được làm mẹ. Song không ít người do chưa trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về thai nghén nên xảy ra những điều ngoài mong đợi trong quá trình mang thai và sinh con
Theo các bác sĩ chuyên khoa, có những thời điểm mà phụ nữ không nên thụ thai. Đó là:
1. Trong đêm tân hôn
Có những phụ nữ thụ thai luôn trong lần quan hệ đầu tiên của đêm tân hôn và cho rằng đây là một tin vui “song hỷ lâm môn”.
Những trên thực tế việc thụ thai như vậy không tốt, phần lớn thai nhi sau khi sinh ra không khỏe mạnh, trí não phát triển chậm, đôi khi còn có những dị tật về hình thể. Vì những nguyên nhân: Cơ thể mệt mỏi, uống nhiều rượu, vợ chồng chưa có kinh nghiệm trong chuyện chăn gối.
2. Trong những ngày du lịch trăng mật
Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phần lớn các cặp vợ chồng mới cưới thường tổ chức đi trăng mật. Nhưng các chuyên gia khuyến cáo rằng các cặp vợ chồng không nên mang thai trong thời kỳ du lịch trăng mật này bởi những nguyên nhân sau: Lịch trình tương đối căng thẳng, cơ thể thường mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm.
Việc ăn ngủ không đảm bảo, thậm chí không thể ăn đúng giờ, thức ăn cũng tương đối đơn điệu, thường thiếu rau, chủ yếu là đồ ăn nhanh.
Do điều kiện ăn ở vệ sinh không được tốt, có khi phát sinh những bệnh về đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Sự thay đổi khí hậu dẫn đến dễ bị cảm mạo, trúng gió, cơ thể mệt mỏi. Đó đều là những điều kiện bất lợi cho việc mang thai.
3. Sau khi ngừng thuốc tránh thai
Phụ nữ chuẩn bị có thai sinh con, không nên thụ thai ngay sau khi dừng thuốc tránh thai.
Nguyên nhân: Trong thời gian dùng thuốc tránh thai cơ thể có sự điều chỉnh hormone, vì vậy, nếu dừng thuốc mà mang thai ngay là hoàn toàn không tốt.
Trong vòng 6 tháng sau khi dừng thuốc, cho dù nồng độ thuốc trong cơ thể không thể sản sinh tác dụng tránh thai, nhưng đối với thai vẫn có những ảnh hưởng không tốt, nếu mang thai trước 6 tháng sau khi dừng thuốc vẫn có thể xảy ra dị tật đối với thai nhi.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên đặt kế hoạch ngừng thuốc trước ít nhất là 6 tháng, đợi cho thuốc trong cơ thể đào thải hoàn toàn ra ngoài cơ thể rồi hãy mang thai. Trong thời gian này có thể áp dụng một số biện pháp tránh thai khác.
4. Sau khi tháo vòng tránh thai
Nếu có thai ngay sau khi tháo vòng điều đó hoàn toàn bất lợi cho cả thai phụ và thai nhi. Vòng tránh thai là dị vật được đặt trong tử cung, để ngăn cản sự trứng thụ tinh, từ đó đạt được mục đích tránh thai. Nhưng, bất luận là thời gian đặt vòng dài hay ngắn, đã là dị vật, vòng tránh thai đều ít nhiều ảnh hưởng nhất định đến tử cung, điều này đều có những bất lợi đối với sinh trưởng phát triển của phôi thai và thai nhi.
Vì vậy, phụ nữ từng tránh thai bằng biện pháp này, nên tháo vòng trước 2-3 tháng sau đó mới nên thụ thai. Trong thời gian này đàn ông nên chủ động các biện pháp tránh thai.
5. Sau khi mới chụp X-quang
Thời gian ngắn trước khi thụ thai phụ nữ không nên chụp X-quang. Nếu như trước khi mang thai 4 tuần mà thực hiện chụp X-quang, sẽ phát sinh vấn đề.
Lượng chiếu xạ dùng trong y học tuy rất ít, nhưng nó ảnh hưởng đến tế bào sinh dục trong cơ thể, vì thế cho dù là nhỏ nhưng vẫn có thể khiến nhiễm sắc thể của tế bào trứng phát sinh dị hình hoặc đột biến gen. Vì thế, tránh chụp X-quang để không ảnh hưởng đến thế hệ sau. Phụ nữ chiếu X-quang đặc biệt là vùng bụng ít nhất phải sau 4 tuần thụ thai mới an toàn.
6. Sau nhiều lần sảy thai hoặc đẻ non
Nếu phụ nữ trong thời gian ngắn nhiều lần sảy thai mà lại mang thai là vô cùng bất lợi vì những tổn thưõng ở vùng xưõng chậu và nội mạc tử cung ảnh hưởng không tốt trong quá trình mang thai. Đối với những phụ nữ nhiều lần nạo phá thai, nội mạc tử cung khó hồi phục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt, dễ ra máu, dễ viêm nhiễm.
-------------------------------------------------
6 lưu ý khi mang thai lại sau sảy
Sảy thai là hiện tượng nguy hiểm thường thấy trong 3 tháng đầu của thai kỳ (Cũng có nhiều trường hợp sảy thai muộn hơn).
Để việc mang thai lại thành công, bạn nên chú ý vài chỉ dẫn sau:
1. Đợi ít nhất sau 3 tháng bị sảy thai, bạn mới nên mang thai lại
Lúc này, tử cung và âm đạo của bạn mới hoàn toàn bình phục và trở về tình trạng khỏe mạnh như lúc đầu.
Nếu bạn bị mất máu nhiều trong lúc sảy thai, cơ thể bạn có khả năng bị thiếu sắt. Trường hợp này bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung sắt đầy đủ trước khi bạn có kế hoạch mang thai trở lại.
Nếu bạn đã mang thai ngoài tử cung trước đó, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn thụ thai lại. Trường hợp này, thời gian hợp lý để bạn mang thai lại thường kéo dài hơn, có thể là sau từ 4 đến 6 tháng.
2. Xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân bạn sảy thai trước đó là gì
Điều này giúp bạn hạn chế được những yếu tố có nguy cơ gây sảy thai. Có một số nguyên nhân sảy thai thông thường như:
- Do rối loạn hệ thống miễn dịch;
- Do sự thay đổi hormone bất thường trong cơ thể người mẹ, chẳng hạn sự sự sụt giảm hormone
- Bệnh tiểu đường, buống trứng có vách ngăn…
- Nếu mẹ, chị gái bạn cũng từng gặp phải tình trạng sảy thai, khi ấy, sảy thai với bạn có thể do di truyền.
Với những phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 35, nguy cơ sảy thai là rất lớn. Nếu nguyên nhân sảy thai là do bạn bị nghẽn mạch máu, bạn có thể phải nhờ bác sĩ kê đơn thuốc để khắc phục tình trạng này. Trường hợp, thai không thể giữ được do bạn vận động hay có những va chạm mạnh khi mang bầu, bạn nên chú ý hơn trong sinh hoạt.
3. Giữ tinh thần thoải mái
Không nên dằn vặt bản thân nếu bạn bị sảy thai dù lỗi đó là do bạn gây ra. Nên coi đó là chuyện buồn, xảy ra ngoài ý muốn. Bạn có thể chia sẻ cảm xúc tiêu cực của mình với chồng, bạn bè, người thân… để giữ tinh thần vui vẻ, thư giãn hơn.
Nhiều phụ nữ xuất hiện tình trạng lo sợ mình có thể bị sảy thai thêm một lần nữa. Bạn không nên quá lo lắng vì điều này vì theo các kết quả điều tra thì có đến 85% các bà mẹ mang thai lại thành công sau khi đã bị sảy.
4. Gia tăng cơ hội thụ thai
Điều này đồng nghĩa với việc bạn nên giữ gìn và tăng cường sức khỏe chung như tránh căng thẳng, stress, ăn uống đầy đủ dưỡng chất nhất là các loại thực phẩm giàu chất sắt, axit folic, cắt giảm hoàn toàn việc uống rượu và hút thuốc lá.
Không tiếp xúc hay làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm. Nên tập thể dục, đi bộ đều đặn mỗi ngày, các bài tập nhẹ nhàng như Yoga cũng rất tốt để cải thiện sức khỏe của bạn.
5. Nên đi khám thai theo định kỳ
Nếu đã có thai lại, bạn nên nhanh chóng đến thăm khám thường xuyên. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trong những trường hợp cần dùng thuốc.
6. Lưu ý với trường hợp sảy thai liên tiếp
Nếu bạn bị sảy thai liên tục, khoảng từ 2-3 lần trở lên thì sảy thai lúc này có thể trở thành “thói quen” nguy hiểm. Nguyên nhân của tình trạng này là:
- Bào thai phát triển không bình thường: Sự bất thường của tinh trùng hoặc trứng khi thụ tinh khiến cho thai không thể phát triển được, dẫn tới sảy thai.
- Bất thường ở tử cung: Tử cung bị dị tật, bị u xơ, bị viêm nhiễm, phẫu thuật hay nạo hút nhiều lần…
- Ngoài ra còn do các nguyên nhân như di truyền, lao động nặng nhọc, nhiễm độc hóa chất….
Những trường hợp sảy thai liên tiếp cần đặc biệt cẩn thận nếu muốn có thai lại. Bạn chỉ nên có thai lại sau đó khoảng 6 tháng khi tử cung đã hoàn toàn bình phục. Nên hỏi ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả nhất.