Chia sẻ những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh con đầu lòng
02/11/2018 (1073 lượt xem)
Đồ dùng cho mẹ và bé, tâm lý, sức khỏe, tài chính,... đều là những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh để con phát triển toàn diện nhất. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể chuẩn bị tốt ở giai đoạn khởi đầu này bởi khi mang thai các cặp đôi bị chi phối bởi rất nhiều khía cạnh, nếu không có kiến thức cũng như sự chuẩn bị chu đáo thì quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc con sẽ mang đến cho họ nhiều bối rối, khó khăn.
Với riêng bản thân là mẹ bỉm sữa trong tam cá nguyệt đầu tiên, tôi cũng có quá nhiều thiếu sót trong việc chuẩn bị để rồi đôi lần lại thốt lên "Ôi, sao mình lại quên mất thế này, thế kia..?". Và giờ đây khi đã yên vị trong 3 tháng đầu mang thai, tôi viết bài viết dưới đây mong rằng có thể chia sẻ một phần kinh nghiệm của bản thân và bổ sung hành trang dành cho cho các bậc cha mẹ tương lai đón đứa con của mình 1 cách tốt đẹp nhất.
1. Những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh: tâm lý và sức khỏe của mẹ
Hãy khám sức khỏe tổng quát trước khi có con chắc hẳn là bước đầu tiên khi bạn quyết định chuẩn bị mang thai. Quan trọng, các bậc cha mẹ hãy kiểm tra và điều chỉnh thói quen của mình, loại bỏ những thói quen xấu có hại cho sức khỏe, tạo những thói quen tốt, lành mạnh.
1.1. Để có một thai nhi tốt, người chồng cần chú ý
– Ăn uống: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất và an toàn giúp cơ thể và tinh trùng được khỏe mạnh: Những thực phẩm giàu axit folic, kẽm, vitamin C, ngũ cốc, rau lá xanh đậm, thịt hải sản, hàu, trứng, bưởi, cam, chanh, nho…
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất
– Hạn chế thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích.
– Nếu môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, chất phóng xạ… thì nên có biện pháp giảm thiểu tối đa rủi ro từ môi trường.
– Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh mệt mỏi, căng thẳng, thức khuya.
1.2. Những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh cho người vợ
– Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi mang thai giúp các cặp đôi phòng ngừa và điều trị kịp thời các chứng bệnh liên quan đến nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, viêm âm đạo, bệnh lậu, giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nếu bị các bệnh này trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi, dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non.
Các chị em cũng cần kiểm tra cổ tử cung, xét nghiệm HPV, nếu không may người mẹ bị ung thư buồng trứng thì khả năng mang thai ngoài tử cung rất cao và hai vợ chồng cần phải cân nhắc chuyện mang thai đầy nguy hiểm này.
– Kiểm tra khả năng miễn dịch viêm gan siêu vi B, thuỷ đậu, quai bị- sởi – rubella, cúm ở Viện Paster. Đây là các bệnh lý rất cần phải phòng ngừa cho người phụ nữ chuẩn bị mang thai vì nó có thể ảnh hưởng thai nhi hoặc lây nhiễm cho em bé sau khi sinh. Nếu xét nghiệm bạn không đủ kháng thể, các mẹ cần tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng trước khi quyết định có thai để đảm bảo thời kỳ mang thai diễn ra an toàn và thai nhi sinh ra được khỏe mạnh.
Các mẹ nên đi khám thai định kỳ
– Thừa cân hay thiếu cân đều gây ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ. Thừa cân có thể gây ra nhiều vấn đề trong quá trình thụ thai và nhiều biến chứng trong khi mang thai như cholesterol cao hay huyết áp cao dẫn đến bệnh tiền sản giật. Nếu bị thiếu cân thì nguy cơ sảy thai, sinh con nhẹ cân sẽ cao hơn các bà mẹ khác. Vì vậy, mẹ cần chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng không để béo phì quá mức.
– Nên đi kiểm tra răng nếu chưa làm trong 6 tháng qua.
– Nên dành khoảng 30 phút tập thể dục hàng ngày.
– Tuyệt đối bỏ rượu bia, cà phê, thuốc lá. Đối với các mẹ có thói quen uống cà phê cần hiểu rõ cà phê có thể làm giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ kích thích thần kinh, dễ dẫn đến sảy thai, nếu không thể bỏ hẳn thì chỉ nên dùng khoảng 200 mg mỗi ngày.
– Các mẹ cũng cần giảm thiểu rủi ro từ môi trường làm việc và sinh hoạt, tránh tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, chất phóng xạ, các chất trong môi trường sống như chất tẩy rửa, dung môi, chì trong nước uống …
– Bổ sung sắt, axit folic bằng cách tăng cường thực phẩm giàu sắt từ rau (rau ngót, rau muống), thịt nạc (thịt bò, thịt trâu), cá biển… Sắt từ thịt hấp thu tốt hơn từ rau 2-3 lần. Các mẹ có thể bổ sung đầy đủ hơn bằng cách uống 400mcg axit folic mỗi ngày trong 1-3 tháng trước khi có thai.
2. Tài chính - Một trong những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh
Ngoài vấn đề sức khỏe, các bạn cũng cần lên kế hoạch tài chính cho việc sinh và nuôi con. Có rất nhiều loại chi phí phát sinh trong quá trình trước, trong và sau khi mang thai. Mình sẽ liệt kê dưới đây 5 loại chi phí phổ biến nhất:
2.1. Chi phí bổ sung dinh dưỡng
Dinh dưỡng là một yếu tố rất quan trọng trong suốt thời gian mang thai. Và đặc biệt trong thời gian bầu bí, nhu cầu bổ sung dinh dưỡng sẽ cao hơn so với bình thường vì vậy mà việc đầu tư tài chính cho việc bồi dưỡng sức khỏe là hoàn toàn cần thiết. Chi phí bổ sung dưỡng chất cho bà bầu thường từ các thực phẩm tươi sống, các dưỡng chất quan trọng như axit folic để hạn chế nguy cơ khuyết tật ống thần kinh.
Các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung chuẩn bị trước và trong thai kì
Ngoài ra, cũng có thể bổ sung bằng sữa bà bầu và uống vitamin. Sữa cho các bà bầu ngày càng nhiều chủng loại với nhiều nhiều giá thành khác nhau, thông thường thì dao động trong khoảng 300.000 đồng/hộp đến 1 triệu/hộp. Với các loại vitamin có giá thành từ vài chục nghìn đến trăm nghìn, tùy thuộc vào thuốc nội hay thuốc ngoại nhập.
Vậy tùy thuộc vào kinh tế gia đình mà các mẹ cân nhắc những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh chất lượng tốt mà vẫn phù hợp với kinh tế của gia đình mình. Các bố mẹ hãy lên kế hoạch tài chính ngay từ bây giờ để có một thai kỳ khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng nhé.
2.2. Chi phí khám thai và sinh nở
Đây có lẽ là khoản chi nặng nhất vì để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và em bé trong suốt thai kỳ, các mẹ cần đi khám sức khỏe tổng quát, khám thai định kỳ để theo dõi tình trạng con mình.
Riêng người vợ cần tiêm phòng trước khi mang thai một số bệnh như: thủy đậu, quai bị, sởi, rubella …. Bởi nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh rất cao, do đó chi phí tiêm ngừa này là hoàn toàn chính đáng và xứng đáng có trong danh mục những chi phí phát sinh trong quá trình mang thai.
Khám thai định kì tuy tốn kém nhưng cực kì cần thiết các mẹ nhé
Ngoài ra, khi mang thai, các thai phụ được khuyên nên đi khám thai 2 tuần – 1 tháng/lần với các xét nghiệm, siêu âm, sàng lọc dị tật trước sinh… và nếu bạn không có bảo hiểm y tế hoặc khám ở những phòng khám tư nhân thì việc này cũng khá tốn kém, chưa kể có những vấn đề bất thường trong quá trình mang thai cần phải kiểm tra nhiều lần.
Vì vậy, một lời khuyên chân thành dành cho các mẹ là bảo hiểm thai sản và bảo hiểm y tế cũng là những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh để giảm thiểu tối đa kinh phí phát sinh khi sắp đến kỳ sinh nở bởi bạn sẽ được thanh toán các chi phí y tế khi chữa bệnh, phẫu thuật, tai nạn, khám sức khỏe định kỳ…
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về các gói bảo hiểm khác, như bảo hiểm thai sản, bảo hiểm nhân thọ…Bản thân mình đã thiếu sót vì không chuẩn bị khoản bảo hiểm trước và hiện tại vợ chồng mình theo khám con ở bệnh viện tư nhân nên tất tần tật các chi phí hai vợ chồng phải tự xoay sở, rất tốn kém.
Về việc quyết định nơi sinh nở, bạn cũng nên thống nhất trước thời gian dự kiến sinh tầm 3 tháng để ước khoảng kinh phí. Thông thường, kinh phí cho mỗi ca sinh nở sẽ khác nhau vì có mẹ sinh thường, có mẹ sinh mổ. Nếu sinh thường, các bạn nên chuẩn bị từ 3-5 triệu đồng, sinh mổ từ 5-10 triệu đồng (chi phí này bao gồm tất cả tiền sinh nở và các khoản phụ phí khác như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thuốc…).
Chi phí nằm viện phụ thuộc vào việc bạn chọn phòng thường hay phòng dịch vụ. Chi phí nằm phòng thường khoảng 100-200 nghìn đồng/giường. Nếu bạn chọn phòng dịch vụ 2-3 người khoảng 300-500 nghìn đồng/giường. Nếu có điều kiện hơn, các mẹ có thể chọn phòng vip với giá 700- 2 triệu đồng/giường. Các cặp vợ chồng cần dự trữ chính xác khoản chi phí này để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt khi sinh con.
2.3. Chi phí mua sắm đồ bầu
Khi người vợ mang thai, cơ thể sẽ phát triển nhanh chóng, bộ quần áo bó sát hay công sở thường mặc sẽ không còn thích hợp. Lúc này, việc cần làm là phải thay đổi toàn bộ kích cỡ cho quần áo. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các mẹ bầu đi trước và trong suy nghĩ của cá nhân mình thì không nên mua quá nhiều quần áo bầu trong thời gian mang thai.
Mình có thể lí lách một chút bằng cách mua những dạng đầm búp bê hay đầm maxi chẳng hạn để sau khi sinh xong có thể mang ra dùng để đi làm hay du lịch, tiện cả đôi đường.
2.4. Chi phí dành chuẩn bị cho em bé
Ngoài đồ dùng cho mẹ, những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh cho em bé thường gồm: nôi, giường, quần áo, khăn, tã, bình sữa, đồ chơi… Những thứ này tưởng như chẳng tốn bao nhiêu tiền nhưng thực tế, chúng chiếm một khoản không hề nhỏ trong ngân sách của bạn đâu nhé!
Trường hợp một số bà mẹ chỉ có sữa trong 3 tháng đầu hoặc không có sữa, hoặc sữa không đủ cho bé bú thì phải sử dụng thêm sữa cho bé. Đây là khoản phí tương đối lớn và lâu dài mà các bạn cần tính toán dự trù trước.
Danh sách những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh mình tham khảo được
Như vậy trong suốt quá trình từ lúc mang bầu tới lúc em bé ra đời, những thứ cần chuẩn bị trước khi sinh các bố mẹ cần phải chuẩn bị rất tốt cả tinh thần cũng như mặt tài chính để bé được chăm sóc tốt nhất. Với những chia sẻ trên hy vọng các mẹ sẽ có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho riêng mình ngay bây giờ, chủ động tài chính trong chi tiêu để chào đón bé ra đời.
Chúc các mẹ luôn mạnh khỏe!