Những thực phẩm khiến bà bầu ợ nóng nhiều hơn
02/08/2013 (500 lượt xem)
Chứng ợ nóng thường gia tăng vào những tháng cuối thai kỳ, khiến bà bầu dễ bị nhạt miệng, chán ăn ảnh hưởng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi.
Ợ nóng là tình trạng không mấy dễ chịu nhưng lại rất hay gặp ở thai phụ, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, gây cảm giác nóng rát cho bà bầu ngay sau xương ức, đôi khi có dịch axit trong dạ dày ợ lên miệng. Nguyên nhân là do trong thai kỳ, lượng hormone relaxin tăng cao dẫn đến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, làm thức ăn lưu trong dạ dày lâu hơn, khiến cho axit tiết ra nhiều. Đồng thời, thai nhi lớn dần trong bụng mẹ chèn ép lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới, gia tăng khả năng axit bị đẩy ngược lên thực quản.
Chứng ợ nóng thường gia tăng vào những tháng cuối thai kỳ, khiến bà bầu dễ bị nhạt miệng, chán ăn ảnh hưởng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Tình trạng này càng tệ hơn nếu mẹ bầu vô tình ăn những thực phẩm có tác dụng tăng tiết dịch axit ở dạ dày hay làm giãn các cơ vòng tại cổ dạ dày đẩy axit trào ngược lại thực quản. Vì vậy, để hạn chế ợ nóng, mẹ bầu cần tránh thưởng thức những món ngon sau đây trong suốt thai kỳ.
1. Khoai tây chiên
Chế biến với rất nhiều dầu mỡ, khoai tây chiên là một trong những loại thức ăn nhanh được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chị em không nên ăn trong thời gian bầu bí. Không chỉ gây tăng cân, khó tiêu, khoai tây chiên giàu chất béo còn có xu hướng làm giãn các van cơ bắp vốn ngăn cách thực quản với dạ dày, cho phép axit từ dạ dày thấm ngược lên thực quản. Kết hợp với hormone thai kỳ khiến van này càng giãn rộng hơn nữa, từ đó làm tăng gấp đôi tình trạng ợ nóng ở bà bầu.
Không chỉ có khoai tây chiên, chị em cũng cần tránh các loại thức ăn chiên nhiều dầu mỡ và chất béo khác. Nếu quá yêu thích khoai tây, nên thay thế bằng khoai tây nướng, luộc hoặc hấp.
2. Hamburger thịt bò
Ăn một chiếc bánh hamburger thịt bò vào buổi tối sẽ có nguy cơ làm cho bạn mất ngủ nguyên đêm vì chứng ợ nóng. Nguyên nhân là thịt bò chứa 75% nạc nhưng có đến 25% chất béo bão hòa làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn, đồng nghĩa với việc thực phẩm và axit lưu lại trong dạ dày lâu hơn, làm bạn ợ nóng nhiều hơn. Do đó, hãy thay thịt bò bằng ức gà nướng hay hamburger chay với rau củ cho buổi ăn tối nhẹ trước giờ đi ngủ.
3. Cà chua
Dù chứa hơn 20 vitamin và khoáng chất, vừa giúp bà bầu đẹp da vừa giảm mệt mỏi, chuột rút thai kỳ, tuy nhiên, nếu thai phụ đang bị chứng ợ nóng hành hạ thì cà chua lại không còn là loại quả lý tưởng để ăn hàng ngày. Nguyên nhân là do axit có trong cà chua có thể làm cho dạ dày của bạn gặp vấn đề với chứng trào ngược axit, thậm chí khi bạn chỉ ăn 1 vài lát cà chua có trong bánh sanwich hay trong món trộn salad thơm ngon. Nước sốt cà chua kết hợp với món mì ống Ý có thể còn làm cho chứng ợ nóng tăng lên đáng kể, do có quá nhiều chất béo, dầu mỡ trong món ăn này.
4. Trái cây họ cam quýt
Cam và bưởi là nguồn cung cấp vitamin C và các chất dinh dưỡng quan trọng khác trong suốt thời gian bầu bí. Nhưng thật không may, các loại trái cây có tính axit cao này cũng là tác nhân kích hoạt chứng ợ nóng ở nhiều bà mẹ tương lai. Do đó, nếu đang gặp rắc rối vì ợ nóng, hãy thay cam, chanh, bưởi hay quýt bằng các loại trái cây khác dồi dào vitamin C và dưỡng chất nhưng ít có tính axit như quả mâm xôi hay dâu tây.
5. Socola
Socola có chứa theobromine, một hợp chất tự nhiên làm giãn các van cơ bắp ngăn dạ dày và thực quản, khiến axit dễ trào ngược lại thực quản. Ngoài ra, socola cũng là một nguồn cung caffeine gây kích thích dạ dày. Hai tác nhân này dẫn đến việc nếu ăn quá nhiều socola, bà bầu sẽ có nguy cơ phải đối diện với chứng ợ nóng nhiều hơn bình thường. Do đó, chỉ nên ăn 1 lượng socola nhỏ, hoặc chuyển qua ăn socola làm từ cây carob, một loại socola không có chất caffeine và theobromine.
6. Trà bạc hà
Từ lâu, trà bạc hà được xem là loại thức uống hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của bà bầu, nhưng theo một số chuyên gia về dinh dưỡng, bạc hà có thể kích thích chứng trào ngược dạ dày ở những người hay bị khó tiêu do thiếu cân bằng axit. Vì vậy, nên thay thế 1 tách trà bạc hà bằng trà hoa cúc, hay trà thảo mộc vừa giúp giảm viêm vừa kích thích chất nhầy trên bề mặt của đường tiêu hóa, đẩy nhanh tiến độ tiêu hóa thức ăn, từ đó giảm ợ nóng khá hiệu quả.
Trà có thể kích thích chứng trào ngược dạ dày ở những bà bầu bị khó tiêu
7. Trà và cà phê
Cà phê, trà và các thức uống chứa caffein khác (bao gồm cả socola nóng) gây nên chứng khó tiêu, ngay cả với cà phê không caffein vẫn có thể làm tình trạng ợ nóng ở bà bầu nặng thêm. Chưa kể, dùng nhiều cà phê, trà hay các thức uống chứa caffein hoàn toàn không tốt cho thai nhi, do chúng là 1 trong những tác nhân gây nên tình trạng sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc sẩy thai. Vì sức khỏe của cả mẹ và bé, bà bầu nên tránh dùng các loại thức uống này trong suốt thai kỳ, nếu quá “ghiền” cà phê, bạn hãy chuyển qua dùng 1 tách cà phê sữa nhỏ để giảm bớt lượng caffein trong món uống dễ gây nghiện này.
8. Nước có gas
Soda, cola, nước ngọt hay bất kỳ một sản phẩm uống nào có chứa gas đều có thể làm cho chứng ợ nóng của bạn thêm trầm trọng. Caffein, cộng với những sủi bọt nhỏ trong những loại nước này là nguyên nhân khiến dạ dày phình lên, kích hoạt sản xuất axit dạ dày nhiều hơn. Để hạn chế việc dung nạp các loại thức uống này, mẹ bầu nên chọn mua loại nước có gas đóng trong hộp vừa thay vì một chai lớn, và uống từng ngụm nhỏ để tránh gây kích ứng thực quản.
9. Hành tây
Hành tây và các loại hành mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi như có thể giúp giải độc cơ thể, tăng sức đề kháng, tăng hàm lượng cholesterol tốt, ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ, giàu axit folic, vitamin B, C, K, crom, biotin v.v…. Tuy nhiên, hành tây lại là tác nhân làm cho chứng ợ nóng của thai phụ thêm trầm trọng, do đây là loại thực phẩm có tính axit gây khó tiêu, đầy hơi, tạo cơ hội cho thức ăn chưa tiêu hóa trào ngược lại thực quản. Tình trạng này sẽ trở nặng hơn khi chị em ăn hành tây trước giờ đi ngủ, vì vậy chỉ nên chọn các món có hành tây trong bữa ăn sáng và trưa để giảm cơ hội cho chứng ợ nóng hành hạ bạn.
10. Các sản phẫm chế biến từ sữa
Uống 1 ly sữa nóng trước giờ đi ngủ có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm thiểu chứng ợ nóng, nhưng nếu dùng quá nhiều sữa nguyên kem và các chế phẩm từ sữa như phô mai, kem, sữa trứng chứa lastose (axit lactic) và chất béo … có thể gây nên chứng khó tiêu cho bà bầu. Nhằm hấp thu tốt canxi và các dưỡng chất từ sữa, thai phụ chỉ nên uống từ 2 - 3 ly mỗi ngày, và có thể thay thế bằng sữa đậu nành hay sữa gạo bổ sung canxi để hạn chế tình trạng ợ nóng.