Những yếu tố ảnh hưởng đến sự rụng trứng
09/03/2013 (1055 lượt xem)
Ở cơ thể của phụ nữ có sức khoẻ bình thường, trung bình mỗi tháng có một trứng chín, rụng ra rơi vào vòi trứng. Qúa trình đó bị chi phối bởi nhiều yếu tố môi trường trong và ngoài cơ thể:
Các yếu tố đó là:
- Trạng thái sức khỏe, nề nếp sinh hoạt, nghỉ ngơi, lao động, cuộc sống gia đình, trạng thái tinh thần...đều có ảnh hưởng đến nội tiết tố. Mà nội tiết tố lại chi phối toàn bộ quá trình chín và rụng của trứng.
- Chế độ ăn uống và ăn uống điều độ là yếu tố giúp cho sự hoạt động bình thường của cơ quan sinh dục, trong đó nang Graff phát triển bình thường, trứng rụng đúng ngày.
- Trứng có thể rụng đột xuất, sớm hơn một vài ngày so với qui luật nếu như vợ chồng lâu ngày mới gặp nhau, hoặc trong quan hệ vợ chồng mà người vợ đạt hứng thú tuyệt đỉnh, do sự co bóp của tử cung, của buồng trứng, làm cho áp lực ở ngoài nang Graff tăng làm vỡ nang, giải phóng trứng.
Có tác giả cho rằng:
- Nang vỡ (trứng rụng) vì tăng áp lực ở trong nang (do khối lượng trong nang tăng lên, vỏ nang dày ra chèn vào khối nước...) do tác dụng tiêu hoá của một số men, do các tua vòi trứng cọ xát lên, hoặc do rối loạn vận mạch, nên một chỗ nào đó ở trên nang bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử...
Qua các yếu tố trên, chúng ta thấy trứng có thể rụng sớm hoặc muộn hơn theo tính toán lý thuyết: Vì vậy chỉ có cách xác định chính xác nhất là dùng nhiệt kế để đo thân nhiệt.
Chúng ta biết rằng: khi trứng rụng, có chị em “cảm thấy được” ở nhiều chị em không “cảm thấy” được nhưng đều biểu hiện ra ngoài là hiện tượng kinh nguyệt (nếu không thụ thai). Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hay không chính là biểu hiện sự rụng trứng có đều hay không, là hoạt động nội tiết có bình thường không? Do đó đối với tất cả các bạn nữ việc theo dõi kỹ hiện tượng kinh nguyệt trong sổ riêng của mình thật cần thiết.