Thủy đậu ở phụ nữ mang thai
02/05/2013 (777 lượt xem)
Thủy đậu là căn bệnh phổ biến và thường không khiến hầu hết chúng ta phải quá lo lắng, thế nhưng đối với phụ nữ mang thai thì điều này lại có thể cực kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Hãy cùng nghiên cứu về những rủi ro có thể gặp phải và cách làm thế nào để bảo vệ bạn cũng như bé yêu của mình.
Đó là những nốt mụn ửng đỏ, phồng rộp, làm mưng mủ khắp cơ thể bạn trong một thời gian, thường lây lan rất nhanh từ người này sang người khác nếu không được chủng ngừa vaccine đúng cách. Chúng gây ngứa ngáy, khó chịu làm bạn phải gãi mà không biết rằng điều đó sẽ để lại những vết sẹo xấu xí khắp trên khắp cơ thể!
Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang mang thai thì mối nguy hại của bệnh thủy đậu có thể vượt qua khỏi những suy nghĩ thông thường và chắc chắn bạn cần phải thận trọng nhiều hơn.
Từ dị tật bẩm sinh cho đến khả năng để lại khuyết tật về sau, mắc bệnh thủy đậu trong thời kỳ mang thai dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe bé yêu của bạn. Bởi nguy cơ lây lan cao do đó khả năng mắc phải thủy đậu ở bà mẹ mang thai là rất lớn, và chúng ta thật không nên khinh suất.
Về bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella zoster gây ra. Người lớn lẫn trẻ em đều có thể nhiễm bệnh như nhau với thời gian ủ bệnh từ 14 -16 ngày, sau đó sẽ phát bệnh.
Mặc dù số trẻ em mắc thủy đậu thường cao hơn, thế nhưng những triệu chứng ở người lớn lại trầm trọng hơn, đồng thời có thể gây ra nhiều biến chứng hơn. Ở gần hay tiếp xúc với người bệnh sẽ khiến bạn dễ dàng bị lây nhiễm.
Thông thường, người đã mắc bệnh rồi sẽ được miễn nhiễm. Vì thế, nếu bạn đã từng trải qua thủy đậu từ lúc nhỏ thì không cần phải quá lo lắng nếu các nốt mụn “khủng khiếp” ấy xuất hiện trở lại lần nữa.
Dù việc tái phát bệnh thủy đậu thường không xảy ra nhưng phụ nữ mang thai vẫn có khả năng bị nhiễm sự tái hoạt của virus nói trên dẫn đến bệnh Herpes zoster, còn gọi là Zona hay giời leo.
“Khoảng hai tuần từ khi nhiễm bệnh đến lúc nổi mụn nước, bệnh nhân sẽ cảm thấy có những triệu chứng như mắc cảm cúm.
Mụn nước đỏ, nhiều chỗ phồng rộp và ngứa ngáy là những triệu chứng thông thường kèm theo. Những mụn nước này xuất hiện hàng loạt, phân bố tập trung trên mặt, sau đó lan nhanh khắp toàn thân và tay chân. Chúng có chiều hướng khô dần, bong vảy đồng loạt với nhau”, bác sĩ Chua Yang trình bày.
Nếu gặp phải những triệu chứng như thế, hãy yêu cầu sự chăm sóc về y tế ngay lập tức để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé.
“Nếu đứa bé được sinh ra trong khoảng 5 ngày trước hoặc 2 ngày sau khi người mẹ mắc bệnh, nhiều khả năng có thể dẫn đến tử vong (trên 25%), sự nhiễm trùng varicella rất phổ biến ở trẻ sơ sinh do kháng thể không đủ thời gian chuyển từ cơ thể người mẹ sang thai nhi”
Mối đe dọa
Thời kỳ thai nghén dường như chẳng phải lúc thích hợp để mắc bệnh thủy đậu, và một trong những lí do chính yếu đơn giản là do người lớn khi mắc bệnh thủy đậu thường sẽ nặng hơn so với trẻ nhỏ.
“Bệnh thủy đậu ở người lớn có thể rất nghiêm trọng và các biến chứng thường xảy ra nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân này. Càng nguy hiểm hơn với những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, hội chứng ‘sốc’ chất độc và viêm khớp nhiễm trùng”, bác sĩ Chua Yang nói.
Như bạn đã thấy, đầu tiên và trước hết việc mắc bệnh thủy đậu trong lúc có thai sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn, do đó hãy tìm đến sự chăm sóc y tế để có thể kiểm soát được những biến chứng và chữa trị sớm.
Một điều nữa mà bạn nên chú ý: tại mỗi thời kỳ khác nhau trong lúc mang thai, thai nhi có thể bị ảnh hưởng bệnh thủy đậu từ người mẹ qua nhiều cách khác nhau.
Bác sĩ Chua Yang giải thích:
“Trong 20 tuần đầu của thai kỳ, có 1-2% cơ may biết được những vấn đề nghiêm trọng như hội chứng thủy đậu bẩm sinh do người mẹ mắc bệnh. Điều này có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh, bệnh tràn dịch não (não bé chứa nước), chứng teo não (não nhỏ bất thường), đục thủy tinh thể, mắt nhiễm trùng trầm trọng và chậm phát triển.”
Nhưng đó không phải là viễn cảnh xấu nhất vì tất cả những vấn đề đó chỉ xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Bác sĩ tiếp tục: “Nếu đứa bé được sinh ra trong khoảng 5 ngày trước hoặc 2 ngày sau khi người mẹ mắc bệnh, nhiều khả năng có thể gây tử vong (trên 25%), sự nhiễm trùng varicella rất phổ biến ở trẻ sơ sinh do kháng thể không đủ thời gian chuyển từ cơ thể người mẹ sang thai nhi”.
Trong những trường hợp như vậy: virus varicella zoster, Globulin miễn dịch cộng với việc điều trị sẽ được áp dụng cho trẻ sơ sinh giúp bé chống lại bệnh.”
Nhưng hãy yên tâm! Ngoài các giai đoạn nguy hiểm ấy, người mẹ mắc bệnh thủy đậu trong những thời điểm khác của thai kỳ nói chung không cần phải lo lắng về sự phát triển của đứa bé vì sự biểu lộ bệnh thông thường nhất trên trẻ sơ sinh chỉ có khả năng là những vết sẹo nhỏ.
Trong bất cứ trường hợp nào, hãy luôn luôn kiểm tra sức khỏe thường xuyên với bác sĩ phụ khoa trong suốt thời gian mang thai và phải báo ngay cho bác sĩ của mình nếu cảm thấy nghi ngờ mắc bệnh thủy đậu. Thà thận trọng còn hơn phải hối tiếc.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Có câu nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhưng đối với bệnh thủy đậu thì thực tế việc phòng bệnh thậm chí cũng rất khó khăn. Mặc dù vắcxin thủy đậu luôn sẵn có, phụ nữ mang thai nên hạn chế tiêm vắcxin trong lúc đang có thai và trước khi mang thai một tháng.
Bác sĩ Chua Yang nói: “Nếu bạn dự định có thai và không nhớ lúc nhỏ mình đã từng mắc thủy đậu hay chưa, cách tốt nhất để xác định là xét nghiệm máu. Nếu chưa từng mắc bệnh, việc tiêm phòng là một điều tốt nhưng hãy luôn chắc rằng bạn sẽ làm việc đó cách thời điểm mang thai ít nhất 1 tháng.” .
Lời khuyên cho bạn là hãy tiêm vắcxin phòng bệnh ngay sau khi sinh, để bạn có thể đảm bảo mình sẽ không mắc bệnh thủy đậu cho đến lần mang thai tiếp theo. Sau khi được tiêm vắc xin người mẹ vẫn có thể cho con bú, điều đó an toàn và không thành vấn đề.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mắc bệnh thủy đậu khi đang có thai? “Hãy chú ý mỗi khi có bất kỳ triệu chứng nào, gọi hỏi xin ý kiến bác sĩ phụ khoa của bạn ngay vì việc đến gặp trực tiếp khiến cho những phụ nữ ở khu vực chờ khám tại bệnh viện bị lây nhiễm.
Bác sĩ sẽ sắp xếp để gặp bạn ở phòng cách ly của bệnh viện hoặc sau khi các bệnh nhân khác đã về hết. Tại đây bạn nên trao đổi về cách điều trị cùng với nguy hiểm của những biến chứng cho cả bạn và con”, bác sĩ Chua Yang khuyên.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp điều trị cần thiết, vì thế tình hình sẽ không vượt qua khỏi sự kiểm soát đâu!
Cuối cùng, hãy nhớ rằng một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm bệnh thủy đậu rất đơn giản là tránh tiếp cận với người bệnh, hay bất kỳ người nào tuy đã miễn dịch nhưng có tiếp xúc với người bệnh trong vòng ba tuần.
Nếu có trẻ nhỏ trong gia đình, hãy bảo đảm rằng chúng được tiêm chủng ngay khi hơn 12 tháng tuổi để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
Vừa mang thai vừa phải giữ sức khỏe tốt có vẻ không phải dễ dàng gì, nhưng nếu bạn thực hiện đầy đủ theo lời khuyên của bác sĩ thì thời gian mang thai sẽ “thuận buồm xuôi gió” hơn nhiều!