Tục chèo thuyền trên Sông Đà đêm ba mươi Tết
02/01/2013 (708 lượt xem)
Tục chèo thuyền trên sông Đà đêm ba mươi tết cho đến nay vẫn còn và trở thành một nét văn hóa đặc biệt mà không nơi nào có được. Phong tục này của làng Khê Thượng huyện Ba Vì và vẫn được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Tục chèo thuyền trên sông Đà đêm ba mươi Tết. Rất nhiều làng có lễ hội tế thánh Tản vào đầu xuân. Riêng làng này ngoài lễ hội tế thánh từ chiều mùng 2 Tết đến hết mùng 6 tháng Giêng có đấu vật, “chém may” (chém cây chuối tượng trưng chém kẻ trộm), lại đặc biệt có tục đêm giao thừa làm lễ chèo thuyền trên sông Đà đưa Công chúa Ngọc Hoa là vợ của Sơn Tinh về thăm Vua cha Hùng Vương ở Nghĩa Lĩnh. Các cụ kể rằng: Ngọc Hoa là người con rất hiếu thảo, lấy chồng về núi Ba Vì rồi nhưng Tết nào cũng đòi được về thăm cha mẹ.
Tại sao chỉ riêng làng này có tục lệ ấy? Có lẽ là nếu chiếu thẳng 2 đỉnh núi Ba Vì và Nghĩa Lĩnh thì đường qua Khê Thượng là ngắn nhất chăng? Nhưng đây chỉ là lượt Công chúa đi sang Nghĩa Lĩnh thôi! Lượt trở về núi Tản, là ngày mùng tám tháng Giêng thì nàng lại đi qua làng Trẹo, ở Phong Châu, Phú Thọ. Đến ngày mùng tám, làng Trẹo mở hội Rước Chúa gái, có cô gái trinh đóng vai Công chúa, có trò “bách nghệ khôi hài”…
Đã 50 năm qua, từ ngày giặc Pháp đốt phá, làng Khê Thượng không còn đình. Mấy năm gần đây mới xây lại, không được to đẹp như xưa nhưng vẫn giữ dáng dấp đình Đoài, mái sụp thấp xuống, các đầu đao cong vểnh lên như một bông hoa loa kèn úp xuống.
Từ sau ngày hai ba tháng Chạp, ông Táo lên trời, bô lão trong làng đã chọn ra một người lái đò để đến giao thừa chèo thuyền đưa Công chúa. Phải là người khoẻ mạnh và có đức hạnh, phải sạch bụi (không có trở) và chay tịnh, được trai tân là tốt nhất. Năm nay, làng chọn người con trai của ông lái đò già. Trong tâm linh của dân làng, ai được chọn là vinh dự và tốt phúc, nhưng phải hết sức nghiêm cẩn vì là việc nhà Thánh. Từ mấy hôm nay, chiếc thuyền gỗ nhà ông được cọ sạch, đêm nay được trải chiếu hoa và được kết hoa lá, đang đỗ ở bến kia. Anh con trai hôm nay đã tắm gội bằng nước hạt mùi và mặc quần áo mới, ngoài trùm chiếc áo nỉ đỏ của làng, lúc này trực sẵn bên mái chèo, hồi hộp chờ đợi. Đêm hết năm, bốn bề yên tĩnh, các làng xóm xa in bóng lờ mờ, mặt sông Đà phẳng lặng, lắng tai nghe mới nghe thấy tiếng vỗ bờ róc rách.
Sông Đà đêm ba mươi Tết, ông lái đò già đã kể lại những truyền thuyết về Sơn Tinh, Thuỷ Tinh cho con trai nghe và đưa con chèo thuyền về phía thượng lưu, đến những nơi có di tích. Nào lăng Đồng Luận có Sụ đá là nơi bà mẹ của Nguyễn Tuấn – tên của Sơn Thánh, đã ngồi đẻ ra ông, nay còn in vết bàn chân; nào động Lăng Xương là nơi có đền thờ bà, nào Bãi cơm rơi, tục truyền là nơi xưa Nguyễn Tuấn qua sông đi hái củi, bẻ cơm nắm rơi, những hạt cơm tụ thành doi bãi; nào Ngòi Lạt là nơi Sơn Tinh cho quân chẻ lạt tươi thả xuống, mọc thành rừng tre gai chặn quân Thuỷ Tinh…
Đêm nay, anh lái đò trẻ nhìn lên trời, nhìn làng mạc và nhìn dòng sông tưởng như khí thiêng đang bao trùm cả trời đất. Mấy đêm trước, giữa khuya, bố anh đều gọi anh dậy, tập chèo, tập lái, tập bát, tập cạy thế nào cho thật êm, thật nhẹ như ru.
Từ phía điếm canh vọng về 3 tiếng trống: đã canh ba. Từ đình làng, chiêng trống nổi lên, tiếng tù và ốc, tù và sừng rúc lên êm ru. Tiếng đàn sáo mỗi lúc một gần. Đám rước cờ quạt và hương án đã tiến ra bến sông. Tiếng những lá cờ đuôi nheo vẫy phần phật trong gió. Cụ chủ tế và các cụ bô lão làm lễ trước hương án. Dân làng đứng chật bên bờ sông. Anh lái đò trẻ bỗng thấy mình rét run lên bần bật. Anh đoán là lúc này Công chúa đã đến bên bờ sông. Cả một vùng trời bỗng có mùi hương hoa ngây ngất. Chở đò đây là chở hồn vía của Công chúa. Công chúa tàng hình, mắt người trần không thấy được như lời bố anh đã dặn. Anh đứng chéo chân trên thuyền, hai tay lăm lăm nắm chặt mái chèo.
Có tiếng gì như tiếng quần áo lụa tơ tằm bay trong gió? Công chúa vốn là người chăn tằm, dệt cửi mà! Bỗng anh thấy mũi chèo chúi nhẹ một cái. Anh giật mình: Công chúa bước xuống thuyền. Người lái đò phải có cái linh cảm rất nhạy để bắt được phút giây này, nếu không sẽ bị Thánh quở phạt. Thế là anh hất nhẹ mái chèo cho mũi thuyền quay sang ngang. Phải cho thuyền lướt thật êm, không được chòng chành chút nào, không được nước bắn tung toé.
Tất cả đám rước và dân làng đông nghịt đứng trên bờ nín thở lặng đi một giây rồi như sực tỉnh nhìn bóng con thuyền lờ mờ lướt nhẹ trên mặt sông loang loáng. Trống chiêng lại vang lừng và đàn sáo lại réo rắt. Thuyền chèo đi, chèo về ba lần mới đỗ vào bến bên kia một lát rồi quay về. Tất cả mọi người đều trang nghiêm hướng vọng về phía Đất Tổ. Mọi người hình dung ra công chúa Ngọc Hoa đang cưỡi mây cưỡi gió, Vua cha Hùng Vương đang bày tiệc mừng đón người con gái hiếu thảo. Nàng công chúa quá quyến luyến cha mẹ còn ở lại qua Tết, đến ngày mùng tám tháng giêng mới chịu quay về núi Tản. Đến ngày ấy thì làng Trẹo ở Phong Châu, Phú Thọ lại tổ chức lễ Rước Chúa gái để đưa tiễn nàng.
Đêm nay, đêm ba mươi, trời êm gió tạnh, đưa Công chúa qua sông tốt đẹp, cả làng Khê Thượng vui mừng vì đó là điềm lành báo trước một năm phong đăng hoà cốc. Một đêm trừ tịch hướng về cội nguồn để đón một năm mới bình yên và hạnh phúc. Và cái tục chèo thuyền sông Đà đêm ba mươi Tết vẫn còn đến ngày nay và trở thành một nét văn hóađặc biệt mà không nơi nào có được.