Chăm sóc cẩn thận vết khâu tầng sinh môn
29/11/2012 (561 lượt xem)
Tầng sinh môn là phần mô giữa âm đạo và hậu môn, chiều dài khoảng 3-5 cm. Việc sử dụng thủ thuật cắt tầng sinh môn là để hỗ trợ và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ khi xuất hiện các dấu hiệu sinh khó vì hẹp xương chậu, thai quá lớn, sản phụ có nguy cơ bị rách cơ vòng hậu môn, có dấu hiệu suy thai hay bé sinh ngôi mông, sinh non hoặc có đầu quá lớn.
Vệ sinh
- Nếu bạn còn ở bệnh viện, y tá sẽ rửa cho bạn bằng nước đun sôi pha cồn diệt khuẩn và bôi thêm dung dịch sát khuẩn vào vết khâu để chóng liền sẹo.
- Khi về nhà, hãy giữ cho khu vực khâu sạch sẽ khô ráo. Bạn có thể tự rửa vệ sinh bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ, có thể sử dụng nước muối pha thật loãng, nước chè xanh hoặc nước tinh khiết đun sôi...
- Nên dùng nước ấm để vệ sinh vùng kín.
- Bạn cần rửa nhẹ nhàng, dội nước từ từ.
- Nên vệ sinh ít nhất 3 lần/ngày.
(Ảnh minh họa)
- Sau khi vệ sinh nên lau khô bằng khăn mềm.
- Hãy đảm bảo băng vệ sinh không chà xát lên các vết khâu và luôn thay băng thường xuyên.
- Điều quan trọng là chăm sóc và giữ cho vùng khâu sạch sẽ để nó mau liền và không gặp sự cố nào, ví dụ như nhiễm trùng.
Khi đi tiểu
Nếu đi tiểu trong khi tắm nên dội nước ấm từ từ vào vùng kín sẽ giúp chị em đỡ xót và buốt.
Sau khi đi tiểu lau khô bằng khăn mềm, không sử dụng máy sấy tóc để làm khô nước dư thừa vì có thể lây nhiễm cho các vết thương.
Bạn có thể vừa tiểu tiện vừa xối nước bằng vòi hoa sen để tránh nước tiểu làm bẩn vết khâu. Riêng việc đại tiện có thể trì hoãn được vài ngày sau sinh nên không đáng ngại lắm.
Lựa chọn quần lót
Bạn nên mặc đồ lót thoáng và sạch, quần lót dùng một lần hoặc quần lót bông, cotton thoải mái với eo cao.
Đi lại
- Hãy thoải mái, giảm thiểu tối đa các cử động mạnh.
- Khi phải đi lại, cố gắng đi nhẹ nhàng. Lúc đầu, việc đi lại có thể khó khăn và đau đớn nhưng điều này sẽ làm tăng lưu thông máu, giảm sưng và giúp vết thương mau lành.
Ăn uống
Liên tục duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều chất xơ, nhiều thức ăn nhuận tràng và và giữ cho cơ thể đủ nước sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị táo bón. Khi bị táo bón, bạn phải rặn mạnh, có thể làm tổn thương vết khâu chưa lành.
Quan hệ vợ chồng
Rạch tầng sinh môn có thể khiến bạn mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng cao, rò âm đạo - hậu môn, dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ, sự toàn vẹn của cơ đáy chậu bị ảnh hưởng do các cơ không được xếp lại đúng chỗ… Do đó, nên kiêng quan hệ vợ chồng cho đến khi sản phụ liền sẹo, không còn đau.
Vợ chồng nên thiết lập lại "quan hệ" một cách dần dần, đôi khi đây là một việc khó khăn nhưng cần kiên trì và hỗ trợ lẫn nhau.
Chồng nên thông cảm và động viên vợ bởi vì ngoài việc chăm sóc thể chất thì liệu pháp tinh thần cũng rất quan trọng.
Lưu ý
Với tình trạng bình thường vết khâu sẽ liền hoàn toàn sau 2 - 3 tuần, phục hồi cảm giác bình thường. Sau khi sinh khoảng 10 ngày âm hộ có thể ra khí hư, khoảng vài ngày sẽ hết. Vết khâu mất khoảng từ 2 - 4 tuần để liền da nhưng cơ địa của mỗi người một khác nên bạn có thể thấy nó kéo dài hơn. Các vết khâu sẽ tự tiêu và việc này có thể mất từ 2 - 12 tuần, tùy thuộc vào loại chỉ khâu.
Không tự ý sử dụng các loại thuốc, kem giảm đau theo mách bảo, kinh nhiệm dân gian vì có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Nếu bạn thấy các vết khâu chặt cứng lên hoặc nếu cơn đau kéo dài có thể là do nhiễm trùng hoặc do đường chỉ khâu quá chặt, hãy nói cho bác sĩ của bạn biết càng sớm càng tốt để họ có thể đảm bảo vết khâu của bạn không có vấn đề gì.